Có hơn 10.793 loài bò sát sinh sống trên khắp thế giới và con số này vẫn không ngừng tăng lên. Bò sát sống ở tất cả các châu lục, chỉ trừ Châu Nam Cực. Chúng gồm các loài như cá sấu, thằn lằn, rắn, rùa cạn và rùa nước.
1. Ngày 21/10 của loài Bò sát
Ngày Nâng cao nhận thức về loài Bò sát được tổ chức trên khắp Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng 10 hàng năm để để nâng cao nhận thức về các loài bò sát, tầm quan trọng của chúng đối với hệ sinh thái và việc bảo vệ chúng khi các loài này đang bị đe dọa trên khắp thế giới.
2. Vai trò quan trọng của loài bò sát trong tự nhiên
Bò sát có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của hệ sinh thái, từ việc kiểm soát “dân số” động vật, bảo vệ sự đa dạng sinh học, đến hỗ trợ trong các nghiên cứu y học. Chúng được gọi là những “kỹ sư sinh thái” giúp duy trì các mối quan hệ phức tạp trong tự nhiên, đồng thời đóng góp vào việc bảo vệ môi trường sống cho nhiều loài khác.
Các loài bò sát thường sống trong nhiều môi trường khác nhau, từ rừng nhiệt đới, sa mạc, đến đầm lầy và các khu vực nước ngọt, góp phần làm phong phú thêm cấu trúc sinh học của các hệ sinh thái.
Chẳng hạn, rùa và cá sấu là những loài tiêu thụ sinh vật xâm hại hoặc động vật nhỏ gây ô nhiễm nước, giúp giữ gìn chất lượng nước. Thằn lằn có tập tính ăn thực vật và thải phân, giúp phân hủy chất hữu cơ và bón cho đất. Rắn giúp “kiểm soát” dân số các loài động vật ăn cỏ (côn trùng, chuột), đảm bảo cân bằng giữa các loài trong hệ sinh thái.
3. Tuy được nuôi làm cảnh ở nhiều nơi, nhưng bò sát thuộc về tự nhiên.
Các loài Bò sát là động vật hoang dã, chúng không phù hợp với cuộc sống trong điều kiện nuôi nhốt. Đây là một loài phức tạp, có tính xã hội cao và trí thông minh, khi bị nuôi nhốt sai cách trong các bể chật chội không thể đảm bảo chúng phát triển một cách khỏe mạnh và tự nhiên. Hơn nữa, việc mất đi những loài này khỏi chuỗi mắt xích của hệ sinh thái, sẽ gây nên những hệ lụy tới môi trường sống tự nhiên.
Trước khi trở thành “thú cưng”, các loài bò sát đã bị săn bắt trong môi trường hoang dã. Chúng bị tách khỏi sinh cảnh tự nhiên, sau đó, bị vận chuyển qua “bảy bảy bốn chín” bước. Quy trình này gây rất nhiều căng thẳng cho chúng, chưa kể đến các vết thương trong quá trình săn bắt và tỉ lệ tử vong rất cao trong quá trình vận chuyển.
Tuy nhiên các hoạt động quảng cáo và buôn bán các loài bò sát vẫn đang diễn ra trên Facebook, Zalo, Instagram, TikTok và các trang web trực tuyến. Trong đó phổ biến nhất là loài cự đà, rùa đớp (Chelydra serpentina), rùa Sulcata (Centrochelys sulcata), rùa cá sấu (Macrochelys temminckii), rùa đầm Trung Quốc (Mauremys reevesii), rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans/Trachemys scripta) và rùa ao đen.
Theo pháp luật ban hành về bảo vệ động vật hoang dã nói chung và loài bò sát nói riêng, các trường hợp buôn bán động vật hoang dã sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt sẽ tùy thuộc vào số lợi bất chính thu được theo quy định pháp luật nêu trên.
Tạm kết
Là một phần không thể thiếu để đảm bảo sự ổn định của hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học, các loài bò sát đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, vì hành vi khai thác rừng phục vụ nhu cầu của con người (săn bắt bò sát để làm thuốc, rượu ngâm, làm thú cảnh nói riêng, săn bắt động vật hoang dã nói chung) và làm mất môi trường sống tự nhiên đã khiến nhiều loài bò sát đang bị đe dọa. Do đó, việc bảo vệ bò sát là một nhiệm vụ cấp thiết.
