CHẤM DỨT CÁC HOẠT ĐỘNG, CƠ SỞ NUÔI NHỐT GẤU LẤY MẬT TẠI VIỆT NAM

Theo thông tin từ các tổ chức bảo vệ động vật, Việt Nam là một điểm nóng về nuôi nhốt gấu. Cho tới nay, trên 40 tỉnh thành phố trên cả nước, hiện có 294 cá thể gấu vẫn còn bị nuôi tại cơ sở tư nhân.

Hà Nội và Hồ Chí Minh hiện vẫn là nơi tập trung lớn nhất về tình trạng nuôi, nhốt gấu, chiếm hơn một nửa số lượng gấu đang bị nuôi, nhốt trên cả nước. Trong đó, 93% số lượng gấu nuôi nhốt tại Hà Nội tập trung ở huyện Phúc Thọ. Tình trạng chích hút và buôn bán mật gấu tuy không công khai nhưng vẫn diễn biến phức tạp. 

1. Thực trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam

Hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật khá nóng tại Việt Nam, khi vào năm 2005 đã phát hiện có khoảng 4.300 con gấu đang bị nuôi nhốt tại các cơ sở trên cả nước. Một số trại gấu lớn còn tổ chức các chuyến tham quan trang trại cho khách du lịch Hàn Quốc và Trung Quốc để chứng kiến quy trình chích hút mật gấu trước khi mua mật. Và đến năm 2010, đã có ít nhất 6 trại gấu tại Vịnh Hạ Long và 1 trại gấu dành cho du khách Hàn Quốc ở Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hình thức hoạt động này. 

Gấu bị bắt và chuẩn bị đem về lấy mật tại các cơ sở nuôi nhốt gấu bất hợp pháp (Ảnh: Phan Ấn – VTC news).

Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ thực hiện chiến dịch “Chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật” của các tổ chức bảo vệ động vật, cơ quan chính quyền nhà nước mà đến năm 2020 đã có những kết quả đáng mừng.

  • Có nhiều hộ đã tự nguyện giao nộp các cá thể gấu cho các trung tâm cứu hộ. 
  • Đến cuối năm 2022, Việt Nam chỉ còn 294 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân, giảm 93,2% so với số lượng hơn 4.300 cá thể gấu được đăng ký nuôi vào năm 2005. 
  • 40 tỉnh/thành phố trên cả nước đã được coi là “địa phương không có gấu nuôi nhốt”. 

2. Thảm cảnh tồi tệ của những chú gấu khi được các cơ sở nuôi gấu lấy mật “chăm nuôi”

Các chú gấu bị giam cầm nhiều năm trong lồng sắt chật chội, với khao khát được tự do và nhìn thấy ánh sáng. (Ảnh: Four Paws).

Các cơ sở thường nuôi nhốt gấu trong các cũi nhỏ hẹp, thiếu không gian để di chuyển và vận động. Gấu bị căng thẳng, thiếu không gian về lâu dài dẫn tới việc xuất hiện các hành vi bất thường như quay vòng, gặm cũi, hoặc tự làm hại mình dẫn đến sự suy giảm sức khỏe tổng thể và sự phát triển tâm lý của gấu.

Các chăm sóc về y tế, thức ăn, nước uống cũng không được cung cấp đầy đủ và đảm bảo cho các con vật, dẫn đến việc chúng mắc phải nhiều bệnh lý nghiêm trọng như: các bệnh nhiễm trùng, tổn thương nội tạng do việc lấy mật liên tục và các vấn đề về gan,…

Gấu bị nhốt lâu ngày trong các cũi nhỏ hẹp dẫn đến căng thẳng tinh thần và tâm lý (Ảnh: Four Paws).

3. Mật gấu được chiết xuất bằng nhiều kỹ thuật xâm lấn gây ra đau đớn, nhiễm trùng nghiêm trọng và để lại nhiều hệ quả cho loài gấu

Không thể bỏ qua quy trình lấy mật cực “độc ác và man rợ” khi sử dụng các phương pháp thu mật thủ công, không đảm bảo vệ sinh và an toàn cho gấu. Chúng sẽ bị chọc kim vào túi mật để thu mật một cách đau đớn và tàn bạo. Không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm nhiễm trùng.

Trong quá trình thu mật, các cơ sở sử dụng kim hoặc ống để chọc vào túi mật của gấu, thực hiện mà không có gây mê, gây ra sự đau đớn và căng thẳng lớn cho gấu. Mật gấu được thu thập và lưu trữ trong các điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Trong nhiều trường hợp, việc thu mật và bảo quản không đáp ứng các tiêu chuẩn y tế, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn và các vấn đề về sức khỏe cho gấu.

Quá trình gấu bị lấy mật một cách đau đớn.

Trong quá trình thu mật sẽ gây ra sự đau đớn mãn tính và căng thẳng cho gấu, chúng phải trải qua những cơn đau dữ dội và sự khó chịu liên tục. Việc chọc kim thường xuyên gây tổn thương cho túi mật và gan của gấu, dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm trùng, viêm, và thậm chí ung thư gan,… Các vết thương từ quá trình thu mật có thể bị nhiễm trùng, đặc biệt là trong điều kiện vệ sinh kém.

Tạm kết

Nuôi gấu lấy mật là một hoạt động tàn nhẫn và có nhiều tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với gấu cũng như hệ sinh thái. Chúng ta hãy NÓI KHÔNG với sử dụng mật gấu và các sản phẩm khác từ gấu ngay lúc này để bảo vệ loài động vật này. Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn việc xuất hiện thêm những hình ảnh tương tự như của Hai Chân dưới đây bằng những hành vi tiêu dùng thông minh của chính mình.

Hai Chân bị nhốt trong cơ sở lấy mật. Hai Chân được đặt tên như vậy bởi cá thể gấu này đã không còn 2 chân trước. Con người tận dụng mọi bộ phận và bỏ mặc những nỗi đau của gấu để kiếm lời.

Tham khảo: báo Lao Động, Nhân Dân, Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình Four Paws.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *