CON NGƯỜI SẼ RA SAO NẾU XUNG QUANH KHÔNG CÒN MỘT LOÀI ĐỘNG VẬT NÀO?

Bạn hãy thử tưởng tượng một thế giới không có động vật, khi đó toàn bộ cấu trúc sinh thái của Trái Đất sẽ bị xáo trộn: Nhiều chuỗi thức ăn bị gián đoạn, dẫn đến sự bùng nổ hoặc suy giảm mạnh của một số loài động thực vật, dẫn tới gia tăng nồng độ khí nhà kính và sự thay đổi khí hậu nhanh chóng vì nhiều loài góp phần điều tiết khí hậu đã biến mất. Mọi sinh vật đều có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, vì thế, sự thay đổi quần thể đối với một loài động vật hoặc thực vật đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả hành tinh.

1. Một số loài động vật hoang dã đã thực sự biến mất trên Trái Đất

Hành tinh chúng ta đã từng có hàng ngàn loài động vật đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của con người làm động vật mất đi môi trường sống và sự bùng nổ nạn săn bắt, mua bán động vật hoang dã đã khiến nhiều loài tuyệt chủng. Có thể kể đến các loài đã biến mất như: 

1. Chim dodo (Raphus cucullatus) là một loài chim không bay sống trên đảo Mauritius (ở Ấn Độ Dương). Nó đã bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 17, chủ yếu do con người và các loài động vật được đưa đến đảo (như chuột, lợn và mèo) làm xáo trộn môi trường sống của chim. 

Chim Dodo là loài động vật đầu tiên được ghi nhận tuyệt chủng bởi con người. Ảnh: Livescience.

2. Tê giác Java (Rhinoceros sondaicus) hiện nay chỉ còn một quần thể rất nhỏ, sống trong Vườn quốc gia Ujung Kulon ở Indonesia. Tuy nhiên, tê giác Java từng có mặt rộng khắp ở Đông Nam Á và đã bị đe dọa tuyệt chủng trong vài thập kỷ qua do mất môi trường sống, săn bắn trái phép và hoạt động của con người.

Ảnh: Zoological Society of London

3. Rùa khổng lồ Pinta sống ở quần đảo Galapagos đã tuyệt chủng vào năm 2012 khi con rùa nổi tiếng George cuối cùng qua đời. Chủ yếu do sự can thiệp của con người: động vật xâm lấn, săn bắt quá mức và môi trường sống bị phá huỷ.

Ảnh: Guardian.

4. Loài ếch Harlequin, có nguồn gốc từ Costa Rica, đã bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 20. Mất môi trường sống, sự gia tăng ô nhiễm đã dẫn đến sự tuyệt chủng của loài này.

Ảnh: CBC

5. Chó sói Tasmania (Thylacinus cynocephalus) hay còn gọi là “con hổ Tasmania”, là một loài thú ăn thịt sống ở Tasmania, Úc và New Guinea. Loài động vật này đã bị săn bắt hết sức tàn bạo từ thế kỷ 19 cho đến khi con sói cuối cùng, “Ben,” chết vào năm 1936. 

Ảnh: The Guardian.

6. Cá heo Vaquita (Phocoena sinus) là một trong những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, sống trong vùng vịnh California, Mexico. Sự suy giảm nhanh chóng của quần thể vaquita chủ yếu là do việc đánh bắt cá bất hợp pháp và sự tiêu diệt của các lưới đánh cá được sử dụng để bắt cá tôm. 

Cảnh báo tuyệt chủng đối với loài cá heo vaquita khi số lượng loài này hiện giảm còn khoảng 10 con. Ảnh sưu tầm

Những cuộc biến mất của các loài động vật hoang dã không chỉ là tổn thất của thiên nhiên mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến hệ sinh thái, gây ra sự mất cân bằng tự nhiên và tác động tiêu cực đến môi trường sống của chính con người.

2. Bạn có tin nếu thế giới không còn động vật, con người cũng sẽ biến mất không?

Việc con người “biến mất” hoàn toàn có thể không xảy ra ngay lập tức, nhưng việc các loài khác không còn hiện diện sẽ khiến con người chúng ta phải đối mặt với nhiều khủng hoảng và thách thức.

  • Mất nguồn lương thực như thịt, sữa, trứng, cá. Chúng ta sẽ phải tìm nguồn thực phẩm thay thế từ thực vật hoặc các công nghệ sinh học mới. Nhưng việc chuyển đổi này không đơn giản và có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt đối với các yếu tố như vitamin B12, sắt, và protein động vật.
  • Mất nhiều loài động vật ong, bướm, chim, và dơi giúp thụ phấn cho cây trồng. Chúng biến mất, cây trồng sẽ khó phát triển, dẫn đến mất mùa, thiếu thực phẩm, và các tác động khác đến nền nông nghiệp.
  • Mất một số loài động vật phân giải giúp làm sạch môi trường: các loài vi khuẩn, giun đất, và động vật ăn xác. Nếu không có chúng, việc phân hủy chất hữu cơ sẽ bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất và nước.
  • Theo nghiên cứu, động vật giúp con người giảm căng thẳng, lo âu. Vậy nếu động vật không còn tồn tại, con người sẽ mất đi một phần quan trọng trong cuộc sống tinh thần và cảm xúc của mình, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý.
  • Đặc biệt các loài động vật hoang dã đóng vai trò trong việc duy trì các hệ sinh thái được cân bằng. Hệ sinh thái cân bằng giúp điều hòa khí hậu, và bảo vệ các vùng đất khỏi bị xói mòn. Nếu động vật không còn, các hệ sinh thái sẽ bị phá vỡ, và tình trạng biến đổi khí hậu có thể trở nên trầm trọng hơn. Chúng ta có thể đối mặt với các thảm họa như lũ lụt, hạn hán, và xói mòn đất, ảnh hưởng trực tiếp đến con người.

Tương lai sẽ cực kỳ bất ổn nếu chúng ta không nỗ lực để bảo vệ các loài động vật và môi trường sống ngày hôm nay!

Nhiều loài vật có nguy cơ tuyệt chủng, thiên nhiên bị huỷ diệt, con người dần đang từng bước hủy diệt hành tinh xanh. Ảnh sưu tầm.

3. Hãy hành động ngay hôm nay, vì thế giới ngày mai

Viễn cảnh nhiều động vật hoang dã bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng ngày càng rõ nét, mỗi người cần nhận thức rõ hơn về vai trò của chúng trong hệ sinh thái và hành động ngay hôm nay để ngăn chặn điều này. Đây không chỉ là vấn đề của thiên nhiên mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của loài người.

Mỗi cá nhân có thể đóng góp một phần trong việc bảo vệ động vật hoang dã thông qua các hành động nhỏ như: không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm từ da, xương, nanh, ngà, thịt, nuôi nhốt làm thú cưng. 

Hỗ trợ tuyên truyền thông tin về bảo vệ động vật hoang dã trên mạng xã hội, ủng hộ các chính sách bảo vệ động vật của chính phủ, các tổ chức, thông báo tới các cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi săn bắn, mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã. 

Tạm kết

Để tránh những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai, chúng ta cần ý thức rõ vai trò của mình và hành động ngay bây giờ để bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái cho chúng ta và thế hệ mai sau. Vì sự biến mất của các loài động vật hoang dã cũng là sự mất mát đối với chính con người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *