Bảo vệ loài gấu cũng như bảo tồn động vật hoang dã là một hành động cấp thiết và quan trọng để duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái và đảm bảo sự đa dạng sinh học. Đây không chỉ là hành động nên làm, mà còn là trách nhiệm để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
1. Vẫn còn tình trạng nuôi nhốt, bắt giết để lấy mật gấu
Gấu bị con người săn bắt, nuôi nhốt để lấy mật, nanh và vuốt làm đồ trang sức, trang trí, chân và móng gấu dùng làm rượu ngâm. Một mối đe dọa lớn nữa mà gấu gặp phải đó là môi trường sống ngoài tự nhiên bị con người lấy mất.
Năm 2005, Việt Nam có khoảng 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt để lấy mật (Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2023, số lượng gấu bị nuôi nhốt, bắt giết đã giảm hơn 95% so với năm 2005.
Một số con số khả quan trong hành trình chấm dứt vấn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật:
- 208 là số gấu còn bị nuôi nhốt trong các trang trại tư nhân trên cả nước.
- 46 tỉnh thành không còn gấu nuôi nhốt.
- 19 là số gấu được chuyển giao đến trung tâm cứu hộ trong năm 2023 (tính đến hết tháng 11/2023).
Dù tình trạng nuôi nhốt đã giảm đáng kể nhờ sự tự nguyện giao nộp của các hộ kinh doanh mật gấu, nhưng hoạt động vận chuyển, buôn bán, quảng cáo rao bán mật và các sản phẩm khác từ gấu vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, các biện pháp chấm dứt hoạt động thương mại các sản phẩm từ gấu và nạn săn bắt gấu vẫn cần tiếp tục triển khai quyết liệt để chấm dứt hoàn toàn hoạt động buôn bán, sử dụng động vật hoang dã.
2. Có những hành động, giải pháp cụ thể để bảo vệ loài gấu một cách hiệu quả
Pháp luật Việt Nam đều bảo vệ ở mức độ cao nhất đối với cả hai loài gấu ngựa và gấu. Hai loài này được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP).
- Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể gấu đã bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Vi phạm đối với từ 06 cá thể gấu trở lên (cá thể, hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống) đã đáp ứng dấu hiệu định khung theo khoản 3 Điều 244, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt từ 10 -15 năm tù đối với cá nhân.
- Riêng hành vi quảng cáo bán mẫu vật của gấu (cá thể, bộ phận, sản phẩm) được coi là hành vi quảng cáo hàng cấm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 70 – 100 triệu đồng theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
- Ngoài ra, gấu ngựa và gấu chó còn được liệt kê trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Việc xuất, nhập khẩu hai loài gấu này phải có giấy phép do cơ quan quản lý CITES của cả quốc gia xuất và nhập khẩu cấp.
Tăng cường giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là những loài động vật nguy cấp quý hiếm, trong đó bao gồm các loài gấu: Có thể cung cấp thông tin về các loài gấu, môi trường sống của chúng và những mối đe dọa mà chúng đang đối mặt.
Thông qua quyên góp, tình nguyện hoặc tham gia các hoạt động bảo tồn, ta có thể hỗ trợ các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã để họ có các chương trình nghiên cứu, bảo vệ môi trường sống và ngăn chặn việc buôn bán trái phép các loài gấu.
Bảo vệ và phục hồi môi trường sống của gấu như: Bảo vệ rừng, chống lại sự khai thác quá mức và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Kiên quyết chống săn bắn trái phép và buôn bán động vật hoang dã bằng cách tham gia các chiến dịch, ký đơn kiến nghị và ủng hộ các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã.
Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm hoặc thực phẩm liên quan đến loài gấu, động vật hoang dã khác.
3. Một số chương trình Bảo vệ loài gấu đã được triển khai và mang lại nhiều hiệu quả tích cực
Mô hình vườn thảo dược thay thế mật gấu là hoạt động nhân văn của Tổ chức Động vật Châu Á Animals Asia, với mục tiêu là cùng với các cơ quan chức năng cứu hộ thành công gần 300 cá thể gấu còn lại trong các trại gấu, cũng như chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng mật gấu trong cộng đồng.
(Ảnh: Việt Khánh)
Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tổ chức Lễ khởi động Chương trình Bảo vệ loài gấu năm 2024 và ra mắt sản phẩm Cao xoa thảo dược Bảo vệ gấu. Đây không chỉ là sản phẩm giúp nâng cao nhận thức cộng đồng mà còn hướng đến mục tiêu cứu hộ toàn bộ gấu nuôi nhốt còn tồn tại, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật vào năm 2026.
Chương trình “Ngày gấu Việt Nam” là một sự kiện lớn diễn ra hàng năm do ENV tổ chức nhằm mục đích kêu gọi cộng đồng không sử dụng mật gấu và chung tay chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu, tạo điều kiện cho quần thể gấu hoang dã được phục hồi.
Tạm kết
Loài gấu vẫn đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nghiêm trọng từ nạn săn bắn trái phép, hút chích mật gấu, lấy các bộ phận để ngâm rượu, cho đến môi trường sống bị phá hủy. Vì vậy, chúng ta cần phải hành động ngay hôm nay, kiên quyết nói không với các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã, không chỉ vì các loài động vật hoang dã mà còn cả cho chính chúng ta trong tương lai!
Nguồn tin: Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV, báo Nông nghiệp, Four Paws.
