ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN – BI KỊCH ĐAU ĐỚN CỦA GẤU VIỆT NAM

Gấu là một trong những loài động vật có nguy cơ cao bị săn bắt và làm hại trái phép ở Việt Nam. Lý do cho việc này chính là những công dụng được đồn đại và thổi phồng quá mức: mật gấu có thể chữa bệnh, rượu ngâm tay, chân gấu giúp bồi bổ cơ thể, móng gấu làm trang sức có thể đem lại may mắn,… Và cũng chính vì những lời đồn đoán đấy mà cuộc sống bình yên của nhiều chú gấu đã biến thành địa ngục nơi trần gian. 

  1. Những mối đe dọa đối với các loài gấu của Việt Nam
Gấu bị nhốt trong chuồng để hút mật trái phép (Nguồn ảnh: Tintuconline).

Các mối đe dọa lớn nhất đối với các loài gấu ở Việt Nam chính là mất môi trường sống và bị săn bắt, buôn bán nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ, sử dụng mật gấu và các sản phẩm khác từ gấu. Nhiều cá thể gấu phải sống trong chuồng sắt chật hẹp và thường xuyên phải chịu nhiều đau đớn vì bị hút mật để bán dẫn đến cơ thể tiều tuỵ, đầy thương tích hay thậm chí là mất cả tay lẫn chân. Đây chính là tình cảnh chung đáng thương của rất nhiều chú gấu khi phải sống trong những trại nuôi gấu lấy mật.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2005, tại Việt Nam có khoảng 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt để lấy mật. Đến năm 2022 vẫn còn đến 300 cá thể gấu bị mắc kẹt trong các trang trại, thường xuyên bị lấy mật bằng các kỹ thuật xâm lấn và phải chịu đau đớn về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên có tín hiệu đáng mừng là đến cuối năm 2023, số lượng gấu bị nuôi nhốt trên cả nước chỉ còn khoảng 200 cá thể, giảm hơn 95% so với thời điểm 2005. Hoạt động nuôi nhốt gấu đang dần đi đến hồi kết nhưng tình trạng vận chuyển, nuôi nhốt gấu trái phép, chích hút, quảng cáo, buôn bán mật gấu và các sản phẩm khác từ gấu vẫn đang diễn ra.

  1. Hậu quả khôn lường của những hành vi sai trái
Gấu ngựa cái được đặt tên là Apollo, là cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng của tỉnh Hải Dương (Nguồn ảnh: Báo Sức khoẻ đời sống).

Hành động săn bắt và làm hại các loài gấu nói riêng và động vật hoang dã nói chung không chỉ thể hiện sự vô nhân tính của con người, mà còn là cuộc tàn sát khủng khiếp đối với sự tồn tại của chúng. Ngoài ra, việc giết hại gấu một cách vô lý cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của các loài động vật và của chính con người. Sự biến mất của chúng có thể dẫn đến các vấn đề về mất cân bằng sinh thái, giảm sự đa dạng sinh học và suy thoái của môi trường tự nhiên. 

  1. Chung tay bảo vệ loài gấu bằng những hành động thiết thực nhất

Việc bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là nhiệm vụ của các chuyên gia môi trường mà còn là trách nhiệm của mỗi người. Chúng ta có thể bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất trong lối sống, sinh hoạt hàng ngày bằng việc từ chối sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Thay vì mua sản phẩm như ví da cá sấu, đồ trang sức làm từ ngà voi là một bước tiến quan trọng, bạn có thể lựa chọn sản phẩm làm từ nguyên liệu tái chế hoặc nhân tạo để giảm áp lực đặt lên loài vật hoang dã. Ví dụ như chọn ví làm từ vật liệu da tổng hợp, thực vật hoặc da tái chế. 

Cứu hộ thành công chú gấu ngựa Bamboo ở Điện Biên (Nguồn ảnh: Tổ chức Động vật châu Á).

Ngoài ra, khi chứng kiến hành động săn bắt, nuôi nhốt trái phép, hãy báo cáo vi phạm và lên tiếng bảo vệ động vật hoang dã. Bằng cách này, mọi người có thể cảnh báo hậu quả tác động đến không chỉ các loài động vật mà còn cho cả cộng đồng và môi trường. Thêm nữa, chia sẻ thông tin về các hình thức và mức xử phạt các đối tượng vi phạm pháp luật chính là cách làm nhanh nhất bảo vệ động vật khỏi các tay buôn và các cá nhân chuộc lợi.

Tạm kết

Hãy nói “KHÔNG” với các sản phẩm từ gấu nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung. Mỗi câu nói “KHÔNG” của bạn sẽ góp phần giải cứu được rất nhiều những sinh mạng vô tội khỏi chốn địa ngục trần gian này!

Tham khảo thông tin: ENV hành động vì động vật hoang dã, VTV, Thiennhien.net

Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã trái phép, các bạn đang góp sức chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và cứu lấy các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tham gia hành động cùng chúng tôi ngay lúc này!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *