Săn bắn động vật hoang dã luôn là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của các loài mà còn làm mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng tới môi trường. Theo thống kê, hàng triệu động vật bị săn bắt mỗi năm để lấy da, lông, xương,… cho đến phục vụ ngành giải trí và nuôi nhốt của con người. Bạn có biết những loài động vật hoang dã nào bị săn bắt nhiều nhất trên hành tinh của chúng ta không? Hãy cùng tìm hiểu với chúng tôi nhé!
Những loài động vật hoang dã bị săn lùng nhiều nhất và có nguy cơ tuyệt chủng
Tê tê
Đây là một trong những loài động vật bị săn bắt nhiều nhất trên thế giới. Chúng chủ yếu bị săn bắt vì vảy của chúng được cho là có giá trị trong y học cổ truyền và thịt của chúng là đặc sản ở một số nơi.
Tê tê hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao, và tất cả các loài tê tê đều đã được đưa vào danh sách các loài động vật cần bảo vệ nguy cấp. Theo ước tính của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tê tê là loài động vật có vú bị buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới.
Rùa biển
Rùa biển là một trong những loài động vật hoang dã bị săn bắt để lấy thịt, trứng, vỏ và mai. Mặc dù các nỗ lực bảo vệ rùa biển đã được triển khai, nhưng chúng vẫn gặp phải mối đe dọa lớn từ săn trộm và các hoạt động khai thác quá mức. Đặc biệt là các loài như rùa đồi mồi, rùa da và rùa xanh đang bị đe dọa nghiêm trọng và được xếp vào danh sách các loài nguy cấp. Ngoài ra, môi trường sống của rùa biển cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng do ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Hổ
Vì bộ da, xương và các bộ phận cơ thể khác mà hổ là một trong những loài động vật hoang dã bị săn bắt nhiều nhất. Loài vật này còn bị săn bắt để làm thú cưng cho những người giàu có. Mặc dù có những chiến dịch bảo vệ hổ ở nhiều quốc gia, nhưng nạn săn trộm vẫn tiếp tục và chúng được liệt vào nhóm “nguy cấp” và có thể tuyệt chủng trong tương lai gần nếu tình trạng săn bắn và mất môi trường sống không được cải thiện.
Voi
Voi khi bị săn bắt sẽ bị lấy ngà vì đây là vật phẩm có giá trị cao trên thị trường đen. Nạn săn trộm voi vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở Châu Phi. Theo báo cáo của CITES, hơn 20.000 con voi bị giết hằng năm chỉ để lấy ngà. Sự suy giảm nhanh chóng của số lượng voi khiến chúng bị liệt vào danh sách các loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng.
Tê giác
Tê giác cũng là một trong những loài bị săn bắt nhiều nhất vì sừng của chúng. Sừng tê giác có giá trị rất cao trên thị trường châu Á, nơi chúng được cho là có tác dụng chữa bệnh và là biểu tượng của quyền lực. Nhưng sự thật, sừng tê giác không có giá trị thực tế về mặt y học. Hiện nay các loài tê giác như tê giác Java và tê giác một sừng đã trở nên cực kỳ hiếm gặp. Trong khi đó, tê giác trắng và tê giác đen cũng đang chịu nguy cơ tuyệt chủng cao.
Đười ươi
Nạn săn bắt và phá rừng để lấy đất canh tác là hai yếu tố chính đẩy đười ươi vào tình trạng nguy cấp. Chúng thường bị săn bắt để buôn bán làm thú cưng hoặc làm đối tượng nghiên cứu bất hợp pháp. Đười ươi Borneo và Sumatra đều bị liệt vào danh sách loài nguy cấp và đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Chính phủ các quốc gia trong khu vực đang thực hiện các biện pháp bảo vệ, nhưng vẫn còn nhiều thách thức.
Cá mập
Cá mập đặc biệt là cá mập trắng lớn, cá mập voi và cá mập hổ đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt để lấy vây cá mập. Vây cá mập được sử dụng trong các món ăn sang trọng là súp vây cá mập. Nạn săn cá mập đã dẫn đến sự giảm sút nghiêm trọng về số lượng loài này trong các đại dương vì tình trạng khai thác quá mức và giảm sút quần thể cá mập.
Loài người sẽ đối mặt với mối đe dọa nguy hiểm nào khi các giống loài này dẫn biến mất
Động vật hoang dã đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng của các hệ sinh thái và với sự mất mát này con người sẽ phải đối mặt với nhiều tác động cả về môi trường, kinh tế và xã hội.
Bùng nổ các loài gây hại: Như đã biết, động vật hoang dã giúp duy trì chuỗi thức ăn, kiểm soát số lượng côn trùng và động vật khác. Nếu động vật hoang dã biến mất khiến hệ sinh thái trở nên “nghèo nàn” về sự đa dạng sinh học, bùng nổ các loài vật gây hại, gây ra những hệ quả lâu dài đối với cả các loài động vật và thực vật.
Ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp và thực phẩm: Nhiều loài động vật như ong, bướm, và chim, có vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho cây trồng. Thiếu đi những loài này, năng suất nông nghiệp sẽ giảm sút nghiêm trọng, cây trồng bị sâu bệnh ảnh hưởng chất lượng nông sản.
Tác động đến sức khỏe con người: Sự biến mất của động vật hoang dã có thể khiến các loài động vật mang bệnh như chuột, muỗi và các loài côn trùng gia tăng, tăng nguy cơ dịch bệnh hoành hành.
Thách thức trong việc bảo vệ hành tinh: Động vật hoang dã tác có mối quan hệ mật thiết tới hệ sinh thái chúng sinh sống – rừng, biển, và đồng cỏ. Nếu động vật không còn, điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng sinh thái ảnh hưởng đến sự sống của con người.
Tạm kết
Săn bắt động vật hoang dã không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhiều loài trong đó có loài người. Đây là việc không của riêng ai, vì thế hãy nói không với sử dụng sản phẩm và nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của động vật hoang dã là việc làm cấp thiết để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài.
