Trong những năm gần đây, xu hướng nuôi động vật hoang dã như thú cưng đang dần trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Nhưng bạn có biết, việc nuôi các loài động vật hoang dã trong gia đình tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có hại đến sức khỏe của bạn và cho cả các loài vật đó không?
1. Những loài động vật hoang dã hiện đang được ưa chuộng làm thú cưng
- Rắn được ưa chuộng vì vẻ đẹp độc đáo đang trở thành thú cưng phổ biến ở nhiều nơi. Tuy nhiên, việc nuôi rắn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người nếu không được nuôi nhốt và chăm sóc đúng cách. Ngoài ra, trong môi trường nhân tạo không phù hợp có thể dẫn đến stress và các bệnh lý cho loài này.
- Khỉ là loài động vật hoang dã được nhiều hộ gia đình ưa chuộng nuôi làm thú cưng vì trí thông minh. Mặc dù có thể được nuôi từ nhỏ, nhưng chúng vẫn giữ lại bản năng hoang dã và có thể trở nên hung dữ khi trưởng thành. Chúng cũng dễ mang các mầm bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho con người như viêm gan, bại liệt hoặc sốt rét.
- Cá Sấu đã được nuôi làm thú cưng ở một số nơi. Cho dù những loài này thường được nuôi từ lúc còn nhỏ nhưng rất nguy hiểm khi trưởng thành. Chúng cần không gian rộng lớn cũng như chế độ chăm sóc đặc biệt nên việc nuôi cá sấu có thể gây ra nhiều rủi ro về sức khỏe và an toàn cho mọi người.
- Hổ là loài yêu thích của một số đại gia khi chọn làm thú cưng. Loài này có bản năng hoang dã mạnh mẽ, dẫn đến những tình huống nguy hiểm cho con người khi có thể gây thương tích nghiêm trọng hoặc thậm chí gây chết người.
Việc nuôi động vật hoang dã đều tiềm ẩn những mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe con người. Hãy đặt sự an toàn cho cả gia đình lên hàng đầu nếu bạn không muốn tiền mất tật mang!
2. Những rủi ro khi nuôi động vật hoang dã trong nhà và môi trường nuôi nhốt
Làm lây bệnh tật
Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất khi nuôi động vật hoang dã làm cảnh là khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người vì nhiều loài động vật hoang dã mang trong mình các vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng có thể gây bệnh nguy hiểm cho con người như: Sốt Ebola, viêm gan E, cúm gia cầm, giun sán, toxoplasmosis hay leptospirosis.
Chăm sóc không đúng cách dẫn đến sức khỏe động vật hoang dã bị giảm sút
Động vật hoang dã khi sinh ra đã sống trong môi trường tự nhiên, không phù hợp để sống trong môi trường gia đình. Chúng có các nhu cầu về thức ăn, không gian sống và điều kiện tự nhiên rất khác biệt so với động vật thuần hóa, nên việc chăm sóc không đúng cách như chế độ ăn không phù hợp, không gian sống hạn chế,… sẽ làm sức khỏe của chúng giảm sút nghiêm trọng cho chúng.
Tính cách hoang dã
Bản năng hoang dã của động vật sẽ dẫn đến những tình huống nguy hiểm cho cả người chủ lẫn các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các loài như hổ, sư tử, hoặc khỉ. Chúng có thể tấn công bất cứ lúc nào nếu cảm thấy bị đe dọa hoặc không thoải mái.
Tác động xấu đến hệ sinh thái
Việc bắt giữ và nuôi nhốt động vật hoang dã có thể dẫn đến mất cân bằng sinh thái trong môi trường sống tự nhiên. Đặc biệt khi động vật hoang dã bị nuôi trong môi trường nhân tạo, chúng sẽ mất khả năng sinh sản, sinh trưởng bình thường, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của loài trong tự nhiên.
Các quy định pháp luật và hình phạt liên quan đến việc nuôi động vật hoang dã
Mua bán, vận chuyển hoặc nuôi nhốt các loài động vật hoang dã trái phép có thể vi phạm các luật bảo vệ động vật hoang dã.
Luật Đa dạng sinh học (2008), năm 2018 ban hành văn bản hợp nhất số 32/VBHN-VPQH 2018 hợp nhất Luật Đa dạng sinh học. Theo đó, các loài ĐVHD sẽ được xem xét đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm bảo vệ những vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng, quy định loài hoang dã bị cấm khai thác và loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên.
Điều 7 của luật này nghiêm cấm các hành vi như săn bắt, đánh bắt và khai thác các loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học. Điều luật này cũng nghiêm cấm các hành vi săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Điều 234 BLHS năm 2015 quy định chi tiết hơn, rõ ràng hơn như: Quy định trị giá và số lượng động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của loài động vật, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi nuôi nhốt, tàng trữ động vật hoang dã, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật hoang dã trái phép vì bất kỳ mục đích gì đều bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Xử lý hình sự về hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 2kg trở lên, sừng tê giác từ 50g (không phân biệt chủng loại voi và tê giác).
- Xử lý hình sự những vi phạm đối với cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật.
- Xử lý hình sự những vi phạm đối với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB, hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp với số lượng từ 3 cá thể lớp thú, 7 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 cá thể động vật lớp khác trở lên.
- Xử lý hình sự những vi phạm đối với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước Cites (trong đó có cả động vật thủy sinh và động vật rừng) trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên.
3. Chúng ta nên lựa chọn thú cưng từ nguồn cung hợp pháp và bền vững
Thay vì nuôi động vật hoang dã, chúng ta có thể lựa chọn những loài thú cưng thuần hóa như: chó, mèo, thỏ, chim cảnh, cá cảnh,… Những loài vật này không chỉ dễ chăm sóc mà còn thân thiện, dễ hòa nhập với con người, giúp rủi ro về sức khỏe mà còn bảo vệ động vật hoang dã khỏi sự săn bắt, nuôi nhốt.
Chúng ta có thể lựa chọn thú cưng được sinh sản trong các trang trại nuôi hợp pháp. Vì những loài động vật này đã được thuần hóa và có thể sống hòa nhập với con người mà không gây nguy hiểm.
Ngoài ra, bạn còn có thể nhận nuôi chó, mèo từ các tổ chức cứu hộ hoặc trung tâm bảo vệ động vật. Những tổ chức này cứu giúp những con vật đã bị bỏ rơi hoặc cứu chúng khỏi các tình huống nguy hiểm.
Việc nuôi thú cưng từ nguồn cung hợp pháp góp phần bảo vệ động vật hoang dã, duy trì sự cân bằng sinh thái. Chúng ta có thể yêu thương và chăm sóc động vật mà không làm tổn hại đến môi trường sống tự nhiên của chúng.
Tạm kết
Chúng tôi hy vọng với bài viết trên, bạn sẽ hiểu rõ những mối nguy hiểm từ việc nuôi động vật hoang dã và có thể đưa ra quyết định có trách nhiệm hơn trong việc nuôi dưỡng thú cưng.
