MUA BÁN TRÁI PHÉP ĐỘNG VẬT HOANG DÃ LÀM THÚ CƯNG – VẤN NẠN NAN GIẢI

Trong những năm gần đây, số lượng mua bán động vật hoang dã làm thú cưng đang ngày càng có xu hướng tăng. Không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng vẫn có rất nhiều người “bỏ ngoài tai” và tham gia mua bán động vật hoang dã trái phép. Vậy hiện nay người dân đang mua bán động vật hoang dã làm thú cưng ở đâu? Cùng chúng tôi tìm hiểu các cách thức mua bán động vật hoang dã mà người dân ngay dưới đây nhé!

1. Mua bán trái phép động vật hoang dã ngang nhiên hoạt động trên không gian mạng

Cùng sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo, và các website thương mại điện tử, đây dường như trở thành “mảnh đất màu mỡ” để mua bán động vật hoang dã. Mọi người đều có thể dễ dàng tìm thấy các hội nhóm, diễn đàn, các trang cá nhân rao bán những loài động vật hoang dã như khỉ, rắn, chim quý hiếm và một số thú nuôi hoang dã khác.

Hàng loạt động vật hoang dã được rao bán công khai trên mạng xã hội. Ảnh: Hương Giang.

Những nhóm này thường có hàng nghìn thành viên, nơi người bán đăng tải hình ảnh, video của các loài động vật hoang dã với giá hấp dẫn. Thậm chí, một số nhóm còn quảng cáo trực tiếp các loài động vật nguy cấp mà không bị kiểm soát hoặc xử lý. Họ thường xuyên thay đổi địa chỉ website hoặc sử dụng các kênh liên lạc như email, Zalo, Telegram để giao dịch nhằm tránh sự phát hiện từ các cơ quan chức năng.

Hoạt động mua bán động vật hoang dã trái phép trên không gian mạng ngày càng gia tăng vì những lý do sau:

  • Mua bán qua mạng giúp cho những đối tượng buôn lậu tránh được sự giám sát trực tiếp từ cơ quan chức năng. Họ đăng thông tin, hình ảnh sản phẩm và vận chuyển qua các phương tiện ít bị kiểm tra như xe khách, xe buýt, hoặc dịch vụ chuyển phát nhanh.
  • Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy và mua động vật hoang dã thông qua các nhóm, website, hay nền tảng mạng xã hội mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. 
  • Việc kiểm soát các giao dịch trên mạng là vô cùng khó khăn, nhất là trên các nền tảng như mạng xã hội hoặc các trang web không có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ. 

2. Động vật hoang dã được vận chuyển đến người mua chủ yếu bằng xe khách, xe buýt, xe limousine

Không chỉ các nền tảng trực tuyến, chợ đen và các cửa hàng buôn bán thú cưng không rõ nguồn gốc cũng là nơi mua bán động vật hoang dã phổ biến. Đặc biệt ở các khu vực gần rừng, thường là nơi tiêu thụ động vật hoang dã bị săn bắt trái phép. Động vật hoang dã bị săn bắt từ các khu rừng và được vận chuyển qua các tuyến đường không chính thức để đưa vào thị trường. 

Những người buôn lậu thường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe khách, xe buýt hoặc xe limousine để vận chuyển các loài có giá trị cao là chim quý hiếm, khỉ, mèo rừng, các loài bò sát.

Cơ quan công an phát hiện xe khách chở động vật hoang dã trái phép đi từ hướng Gia Lai đến TP.Hồ Chí Minh. Ảnh sưu tầm.

Các phương tiện này có một số đặc điểm khiến việc kiểm soát khó khăn, bao gồm:

  • Xe khách và xe buýt là phương tiện di chuyển công cộng với nhiều hành khách và hàng hóa khác nhau, khiến việc kiểm tra và phát hiện các động vật hoang dã bị vận chuyển trái phép gặp nhiều khó khăn. Động vật hoang dã có thể được giấu kín trong các thùng hàng, bao bì, hoặc dưới các lớp hàng hóa khác.
  • Việc vận chuyển bằng xe khách hoặc xe buýt thường rẻ hơn so với các phương tiện khác, như xe tải hay xe container, do đó nhiều đối tượng buôn lậu sử dụng các phương tiện này để giảm thiểu chi phí vận chuyển.
  • Các xe khách, đặc biệt là các xe đường dài, không luôn bị kiểm tra kỹ lưỡng ở các trạm dừng. Điều này tạo điều kiện cho việc vận chuyển động vật hoang dã mà không bị phát hiện.

3. Vậy người dân có vi phạm pháp luật khi mua động vật hoang dã làm thú cưng không?

Theo Luật Bảo vệ và Phát triển Đa dạng sinh học tại Việt Nam, việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã là hành vi bị cấm, trừ khi có giấy phép hoặc trong những trường hợp đặc biệt được pháp luật cho phép. Nếu người dân mua động vật hoang dã làm thú cưng mà không thông qua các kênh hợp pháp, họ sẽ vi phạm các quy định này. Cụ thể:

  • Truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân theo Điều 190, 191, 234, 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 21, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP) hoặc Điều 41 Nghị định 42/2019/NĐ-CP: Lưu giữ, quảng cáo, kinh doanh các loài động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã mà không có nguồn gốc hợp pháp hoàn toàn bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. 
  • Xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP hoặc Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP): Hành vi quảng cáo bán trái phép các sản phẩm động vật hoang dã trên mạng internet (không phân biệt là hàng thật hay hàng giả).

Tạm kết 

Mua bán động vật hoang dã làm thú cưng không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, có thể gây nguy hiểm cho bản thân người nuôi, mà còn tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Người dân cần nhận thức rõ về tác hại của việc nuôi động vật hoang dã trái phép và lựa chọn các loài thú cưng hợp pháp để bảo vệ môi trường, động vật và cả chính bản thân mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *