NHẬN THỨC SAI LẦM VỀ CAO HỔ VÀ SẢN PHẨM TỪ HỔ

Cao hổ cốt, rượu ngâm hổ con, nanh vuốt, da hổ,… được nhiều người sử dụng như các loại thần dược chữa bách bệnh và đồ trang sức thể hiện sự “đẳng cấp”. Nhưng những lời đồn đại về tác dụng “thần kỳ” của cao hay rượu hổ đến nay vẫn chưa được khoa học kiểm chứng. Chúng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của hổ trong tự nhiên. Từ năm 1998 tới nay, tại Việt Nam, chưa có ghi nhận cá thể hổ ngoài tự nhiên. Loài hổ đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng.

1. Cao hổ cốt không có tác dụng chữa bệnh “thần kỳ” như đồn thổi

Nhiều người tin rằng cao hổ có thể chữa khỏi hầu hết các bệnh tật, từ đau lưng đến ung thư. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng cao hổ có tác dụng chữa bệnh vượt trội so với các phương pháp điều trị y tế hiện đại. Theo các chuyên gia y học, cao hổ cốt, mật gấu, sừng tê giác,… không có tác dụng chữa bệnh như dân gian đồn đoán, mà còn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người như dị ứng, nhiễm độc nặng, thậm chí là tử vong.

Nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì gặp các phản ứng dị ứng và nhiễm độc cao hổ (Ảnh: báo Lao Động).

Hiện nay, y học đã phát triển mạnh mẽ, việc sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để chữa bệnh không còn nhiều hiệu quả. Chúng ta có thể thay thế cao hổ cốt bằng các phương pháp y học cổ truyền sử dụng các cây thuốc đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và chứng minh có tác dụng tích cực.

2. Từ chối mua bán cao hổ và các sản phẩm làm từ hổ

Ngoài sử dụng trong chữa bệnh, nhiều người còn mua bán, cho tặng hoặc dùng các sản phẩm từ hổ để thể hiện quyền lực và sự giàu như: 

  • Xương hổ: thường được dùng để làm thuốc đông y hoặc để chế tạo các món đồ trang trí và đồ thủ công mỹ nghệ.
  • Da hổ: Dùng để chế tác thành các sản phẩm như thảm, áo khoác, hoặc các đồ trang trí khác. 
  • Răng và Móng hổ: Làm đồ trang sức, vòng tay, hoặc các vật phẩm trang trí.
  • Các bộ phận khác của hổ: Cũng bị sử dụng để tạo ra các sản phẩm trang trí đặc biệt hoặc các tác phẩm nghệ thuật.
  • Chụp ảnh với hổ.

Những hành vi tiêu dùng này đe dọa nghiêm trọng tới sự sinh tồn của loài hổ, làm gia tăng nguy cơ sử dụng và buôn bán cá thể hổ, mà còn tạo điều kiện cho những hành vi vi phạm pháp luật (săn bắt, buôn bán trái pháp luật, tham nhũng) làm suy yếu hệ thống pháp luật và quản lý. 

Hai hổ con được công an Hương Sơn thu giữ, bàn giao cho đơn vị có thẩm quyền (Ảnh: Vu Cát Tiên).

Chính vì vậy, mỗi người dân cần “ Từ Chối các sản phẩm, dịch vụ sử dụng Hổ” không mua sắm, tiêu thụ, tiếp tay cho các sản phẩm từ động vật hoang dã. Từ đó, chúng ta có thể góp phần giảm nhu cầu thị trường buôn bán trái phép động vật hoang dã, đồng thời tránh việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi pháp luật Việt Nam hoàn toàn nghiêm cấm việc săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý… 

Những hệ lụy tới cá thể hổ bị con người dùng cho hoạt động chụp ảnh du lịch. (Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á Animal Asia)
Tiếp tay cho thị trường đen khi tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ sử dụng động vật hoang dã (Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á Animal Asia).

3. Sử dụng, săn bắt các sản phẩm từ động vật hoang dã bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ động vật hoang dã và đạt được những kết quả khả quan có thể kể đến như: Tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao khung hình phạt, đồng thời đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm pháp luật để bảo vệ chặt chẽ những loài nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam, giảm cầu tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, tăng cường các khung phạt, nâng cao nhận thức của cộng đồng về pháp luật liên quan tới động vật hoang dã

Các hành vi săn bắt, giết hại, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái phép động vật đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật nhỏ hay ít, với mức phạt là từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Tạm kết

Sử dụng sản phẩm từ hổ như cao hổ, nanh hổ, da hổ, rượu ngâm hổ,… để chữa bệnh, khoe mẽ không chỉ vi phạm đạo đức, mà còn gây hại nghiêm trọng cho các loài động vật và tự nhiên. Nếu chúng ta không hành động ngay để cứu lấy loài hổ, chúng sẽ biến mất hoàn toàn chỉ trong vài thập kỷ tới, và những gì chúng ta còn giữ lại về chúng sẽ chỉ là những tấm hình và thước phim.

Chỉ với hành động nhỏ “từ chối tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ sử dụng hổ, lựa chọn các sản phẩm thay thế khác” bạn đã góp phần vào việc bảo vệ động vật hoang dã và duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái của trái đất này.

Nguồn tin: báo Lao Động, Công an Nhân dân, Tổ chức Động vật Châu Á.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *