NHIỀU CÁ THỂ HỔ VẪN ĐANG BỊ SĂN BẮT VÀ SỬ DỤNG ĐỂ LÀM CAO HỔ CỐT

Hổ được coi là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực và sự dũng cảm, là loài thể hiện sức mạnh của thiên nhiên và quyền lực tối cao. Trong dân gian Việt Nam, hổ còn được gọi là “Ông ba mươi” vì nếu muốn được ăn Tết yên ấm, không bị quấy nhiễu thì người dân cần cúng tế cho hổ vào đúng đêm 30 Tết. 

Việt Nam không chỉ sở hữu điều kiện khí hậu nhiệt đới phù hợp, cùng rừng núi hoang sơ trải dài, mà còn là một trong những nước được ghi nhận có rất nhiều hổ sinh sống trong tự nhiên. Tuy nhiên, do nạn khai thác gỗ, rừng để phát triển nông nghiệp, cùng việc săn bắn trái phép đã khiến hổ mất môi trường sống nghiêm trọng.

1. Phát hiện nhiều cá thể hổ vẫn đang bị săn bắt, nuôi nhốt để làm cao hổ cốt và được sử dụng làm đồ trang trí, phụ kiện

Theo tổ chức WWF vào năm 2016, Việt Nam có khoảng 5 cá thể hổ trong tự nhiên. Bức ảnh cuối cùng về loài hổ được ghi nhận ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã từ năm 1999, tại Vườn Quốc Gia Pù Mát (Nghệ An).

Cá thể hổ được chụp bằng máy ảnh tự động vào năm 1999 tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Ảnh: Vườn Quốc Gia Pù Mát).

Thêm một thống kê khác vào tháng 11/2021 cho biết, chỉ còn 3.900 con hổ hoang dã trong tự nhiên trên toàn thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, hổ tập trung đông nhất tại Indonesia (670 cá thể), Thái Lan (221 cá thể), và Malaysia (200 cá thể).

Trong khi một số quốc gia đã thành công trong việc gia tăng số lượng hổ hoang dã, thì tại Việt Nam, hổ vẫn bị săn bắt và nuôi nhốt để làm cao hổ cốt và các sản phẩm bất hợp pháp khác như: thảm da hổ, nanh hổ, rượu ngâm hổ,… khiến nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã của các tổ chức và nhà nước có phần khó khăn.

Dù đã có chính sách luật pháp nghiêm ngặt và các biện pháp bảo tồn, nhưng thị trường chợ đen cho các sản phẩm từ hổ vẫn tồn tại, góp phần vào việc giảm số lượng hổ trong tự nhiên.

2. Sử dụng cao hổ cốt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Cao hổ cốt là một sản phẩm được làm từ xương của hổ và thường được quảng cáo trong y học cổ truyền với những công dụng như tăng cường sức khỏe và chữa bệnh. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học rõ ràng chứng minh rằng cao hổ cốt có bất kỳ công dụng y học nào. Cũng như không rõ trong thành phần của cao hổ, cao hổ nguyên chất chiếm bao nhiêu phần trăm, và thành phần còn lại bao gồm những gì. Do đó, việc tiêu thụ cao hổ cốt không mang lại lợi ích sức khỏe mà có thể làm lãng phí tiền bạc và có nguy cơ gây hại cho tính mạng.

Các sản phẩm từ động vật hoang dã, bao gồm cao hổ cốt, có thể chứa các chất độc hại và vi khuẩn. Chúng chưa được kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm. Do vậy, cao hổ cốt hoàn toàn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như dị ứng hoặc nhiễm trùng, gây ra ngộ độc.

Sử dụng các sản phẩm từ hổ là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. (Ảnh: Vietnam net)

Ngoài ra việc tiêu thụ và khoe mẽ các sản phẩm từ hổ được xem là một hình thức thể hiện sự giàu có “ảo” và vô đạo đức khi dựa trên việc săn bắt và đối xử vô nhân đạo với động vật hoang dã.

3. Biện pháp, hành động để ngăn chặn nuôi, nhốt, sử dụng hổ

Để ngăn chặn việc nuôi, nhốt và sử dụng cá thể hổ, nhà nước và mỗi cá nhân cần thực hiện đồng thời các biện pháp và hành động cụ thể:

  • Tăng cường luật pháp và chính sách: Đảm bảo các luật về bảo vệ động vật hoang dã đối với việc nuôi nhốt và sử dụng hổ được thực thi nghiêm ngặt. Áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm.
Đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã bị bắt giữ tại cơ quan công an. (Ảnh: CSGT)
  • Giám sát và kiểm tra: Triển khai kiểm tra thường xuyên đối với các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, đặc biệt là các cơ sở nghi ngờ có liên quan đến hổ. Phối hợp với các địa phương để chia sẻ thông tin nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động bất hợp pháp.
  • Nâng cao nhận thức cộng đồng: Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết khi bảo vệ loài hổ và các động vật hoang dã khác.
  • Cứu hộ và bảo tồn: Hỗ trợ các tổ chức bảo tồn và cứu hộ động vật trong việc chăm sóc và giải cứu các cá thể hổ bị nuôi nhốt trái phép.
  • Không sử dụng các sản phẩm từ hổ và động vật hoang dã khác: Sử dụng các sản phẩm, phương pháp y học đã được khoa học chứng minh làm uy tín và an toàn.

Tạm kết

Sự biến mất của hổ không chỉ dừng lại ở việc các cá thể hổ mất đi, mà sự biến mất của chúng còn dẫn đến những tác động tiêu cực không lường trước được đối với môi trường và các loài động vật hoang dã khác trong hệ sinh thái. Vì vậy, bảo vệ hổ và bảo vệ động vật hoang dã cũng là đang bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta trong tương lai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *