NHIỀU ĐỘNG VẬT HOANG DÃ QUÝ HIẾM ĐƯỢC THẢ VỀ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN SAU HÀNG LOẠT NỖ LỰC GIẢI CỨU

Thực sự là một tin vui khi hàng ngàn động vật hoang dã quý hiếm được giải cứu, thả về môi trường tự nhiên. Đây là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên. Việc này không chỉ giúp phục hồi các quần thể động vật hoang dã đang bị đe dọa trước nguy cơ tuyệt chủng, mà còn giúp duy trì cân bằng hệ sinh thái, góp phần giữ gìn sự ổn định của môi trường sống cho các loài động vật, bao gồm cả con người.

1. Hàng ngàn động vật hoang dã được về với tự nhiên sau những nỗ lực và sự đồng hành của cơ quan nhà nước và các trung tâm bảo tồn động vật

Vừa qua, Vườn quốc gia Vũ Quang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh tiến hành tái thả 36 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên bao gồm: 14 con khỉ (7 khỉ vàng, 2 khỉ mốc, 2 khỉ mặt đỏ, 3 khỉ đuôi lợn), 9 con trăn đất, 1 con cầy vòi hương, 9 con rùa (4 rùa hộp trán vàng miền bắc, 1 rùa đất Sê pôn, 4 rùa sa nhân) và 3 con culi nhỏ. 

Culi nhỏ được cơ quan chức năng thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: TTXVN.

Một trường hợp khác từ vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép trên địa bàn Phú Yên và Gia Lai đã giải cứu được 43 cá thể động vật hoang dã: 18 tê tê, 11 rùa, 2 chồn bạc má, 5 rồng đất và 7 rắn.

Từ năm 2014 đến nay, với sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan chức năng, đối tác và người dân, Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) đã cứu hộ thành công 4.280 cá thể động vật hoang dã thuộc hơn 60 loài bản địa, khoảng 1274 cá thể được tái thả về môi trường tự nhiên, phục hồi hệ sinh thái các loài. Ngoài ra, SVW còn phối hợp với các vườn quốc gia, khu bảo tồn tháo gỡ hơn 24.000 bẫy thú, hơn 1.000 lán trại trái phép bị phá hủy và hỗ trợ bắt giữ hơn 1.300 đối tượng vi phạm, kết nối hơn 40.000 người dân với bảo tồn. Những nỗ lực này đã góp phần làm giảm số lượng động vật hoang dã bị săn bắt tại Việt Nam.

Trước khi được thả về rừng, các cá thể động vật sẽ được theo dõi sức khỏe và đánh giá khả năng sinh tồn ngoài tự nhiên. Chúng được thả trong tình trạng khỏe mạnh và khả năng tái hòa nhập cao.

2. Niềm vui “bé nhỏ” của các động vật hoang dã khi được thả về đúng nơi của mình

Đối với động vật hoang dã, tự do chính là điều kiện tiên quyết để tồn tại. Khi được trở về tự nhiên, chúng thường thể hiện sự “vui mừng” như: chạy, bay hoặc bơi đi,… Chúng sẽ mong muốn mau chóng trở lại với những hoạt động vốn có như: săn mồi, kiếm ăn, tìm nơi trú ẩn, sinh và nuôi dưỡng con cái,… 

Các loài sống theo bầy, như linh trưởng, khỉ, voi, sư tử, chim,… có thể tìm lại bầy, hòa nhập lại với những cá thể cùng loài, tiếp tục các “mối quan hệ xã hội” và tham gia vào các hoạt động của cộng đồng mình. 

Còn với những loài động vật sống một mình, như hổ, gấu, việc được thả về môi trường tự nhiên cũng là cơ hội để chúng tìm lại lãnh thổ, tự do săn mồi và bảo vệ lãnh thổ của mình.

Chú khỉ mốc vui mừng leo trèo sau khi được thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: Tạp chí Môi trường.

Một yếu tố rất quan trọng, đó là các loài động vật hoang dã quý hiếm khi được trở về “nhà”, chúng có cơ hội để duy trì giống nòi, bảo vệ, hướng dẫn thế hệ sau học cách kiếm ăn và sinh tồn trong môi trường tự nhiên. Đây là một phần trong việc duy trì sự sống của các loài trên Trái Đất này.

Dù động vật không thể nói lên cảm xúc như con người, nhưng hành động của chúng sau khi được thả về là minh chứng rõ ràng cho “hạnh phúc và sự tự do”. Đó cũng là niềm vui của những người tham gia giải cứu động vật hoang dã, tượng trưng cho nỗ lực bảo vệ cuộc sống và sự đa dạng sinh học trên hành tinh của chúng ta.

3. Bạn cũng có thể góp phần chung tay đưa động vật hoang dã về môi trường sống tự nhiên

Mỗi hành động nhỏ của chúng ta đều có thể đóng góp rất lớn trong việc bảo vệ và đưa động vật hoang dã quý hiếm về môi trường sống tự nhiên. 

  • Tự trau dồi kiến thức của chính mình để bản thân hiểu, và lan tỏa tới những người xung quanh về tầm quan trọng của bảo vệ động vật hoang dã, đa dạng sinh học, và về các mối nguy hiểm mà động vật hoang dã đối mặt, như săn bắn trái phép, buôn bán động vật hoang dã, và phá hủy môi trường.
  • Chia sẻ các thông tin về động vật hoang dã và môi trường tự nhiên, tầm quan trọng của chúng, mối liên hệ của chúng tới con người, và những mối nguy mà chúng đang gặp phải, tới những người xung quanh, qua mạng xã hội, tham gia các cuộc thảo luận, hoặc tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức.
  • Lan tỏa tới thế hệ trẻ về giá trị của động vật và môi trường tự nhiên. Từ đó, tạo nên một cộng đồng có trách nhiệm hơn với việc bảo vệ động vật hoang dã trong tương lai. 
  • Bạn cũng có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động tình nguyện của các dự án bảo tồn, hỗ trợ xây dựng và chăm sóc các khu bảo vệ động vật.
  • Không mua bán động vật hoang dã (thịt thú rừng, da thú, xương, ngà voi, mật gấu, móng hổ, cao hổ, hoặc các sản phẩm chế biến từ động vật hoang dã) là việc làm thiết yếu góp phần bảo vệ động vật nhanh chóng và thiết thực nhất.
  • Lan tỏa tới nhứng người xung quanh không tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã.
  • Thông báo tới các cơ quan chức năng khi phát hiện các vi phạm liên quan tới động vật hoang dã (săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ).
Nghiêm cấm, xử phạt nặng các hành vi săn bắt, mua bán động vật hoang dã. Ảnh: Hương Giang
  • Ưu tiên các sản phẩm được chứng nhận bền vững, có thể tái sinh hoặc các sản phẩm hữu cơ không gây tổn hại đến động vật hoang dã và môi trường tự nhiên.

Tạm kết

Mỗi hành động giải cứu, bảo vệ động vật hoang dã, dù nhỏ hay lớn, đều mang ý nghĩa quan trọng đóng góp cho các nỗ lực bảo vệ động vật toàn cầu. Chúng ta đang từng bước thay đổi thế giới, tạo ra một tương lai nơi động vật hoang dã có thể sống tự do và an toàn hơn. Đây sẽ là nguồn cảm hứng để nhiều người tham gia vào các chiến dịch bảo vệ động vật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *