NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢNH BÁO VỀ VIỆC NUÔI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ LÀM THÚ CƯNG

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng là VIỆC KHÔNG NÊN LÀM, không chỉ vì sự an toàn của con người mà còn tác động tiêu cực đến động vật hoang dã và môi trường. Những câu chuyện cảnh báo dưới đây sẽ cho bạn thấy rõ những rủi ro nghiêm trọng mà con người và động vật phải đối mặt khi nuôi động vật hoang dã làm thú cưng.

1. Động vật hoang dã đều có thể tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe con người

  • Tấn công

Một trong những nguy cơ rõ ràng nhất khi tiếp xúc với động vật hoang dã là có nguy cơ bị chúng tấn công bất cứ lúc nào. Đặc biệt các loài như: hổ, sư tử, sói, gấu, hoặc thậm chí khỉ, có thể tấn công khi cảm thấy bị đe dọa, xâm phạm lãnh thổ hoặc do bản năng hoang dã của chúng. Những vết cắn này có thể gây ra các vết thương nghiêm trọng, nhiễm trùng và thậm chí tử vong.

  • Lây lan dịch bệnh

Nhiều loài động vật hoang dã có thể mang các bệnh nguy hiểm được lây lan qua tiếp xúc trực tiếp cắn, vết thương, qua chất thải hoặc qua côn trùng trung gian.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo: khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Ảnh: HQ.

Một số bệnh thường gặp:

Bệnh dại: Do virus dại gây ra và có thể lây từ động vật hoang dã như chó, cáo, dơi,… sang người qua vết cắn. 

Bệnh viêm não do Herpes B: Bệnh này có thể lây từ khỉ sang người và có thể gây viêm não nghiêm trọng.

Sốt xuất huyết: Một số động vật hoang dã như dơi và các loài gặm nhấm có thể mang mầm bệnh sốt xuất huyết, và bệnh này có thể lây qua côn trùng hút máu.

HIV/AIDS: Dơi và linh trưởng là những loài động vật hoang dã đã được xác định là nguồn gốc của virus HIV, gây bệnh AIDS ở người.

  • Mang các ký sinh trùng và vi khuẩn

Động vật hoang dã mang nhiều loại ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh. Các loài động vật hoang dã: chuột, dơi mang các loại vi khuẩn như Salmonella, E. coli, hoặc virus Hantavirus,… Những vi khuẩn này có thể gây ra các bệnh đường tiêu hóa, viêm phổi, hoặc các vấn đề về thận nếu con người vô tình tiếp xúc với chúng.

Ký sinh trùng như sán, giun, hoặc bọ chét,… có thể lây qua tiếp xúc với động vật hoang dã, và gây ra các bệnh như sốt rét, ký sinh trùng đường ruột và các bệnh ngoài da.

2. Nhiều trường hợp động vật hoang tấn công chủ nuôi 

Một trường hợp đau lòng về cháu bé 3 tuổi tên D. ở TP HCM bị con gấu nhà nuôi đã hơn 3 năm, nặng 100kg cắn đứt lìa cánh tay phải rồi khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Phần cánh tay đứt rời, ngay cả phần mỏm cụt còn lại 10cm cũng bị dập nên cháu D. sẽ phải mang tay giả suốt đời.

Gấu là loài thú hoang dã, nó sẵn sàng tấn công người chăm sóc nó hằng ngày. Ảnh: Sưu tầm.

Không chỉ gấu mà bất cứ một động vật hoang dã nào cũng có thể tấn công con người. Chị Bùi Thị Lê đến từ Hà Nội đã mua một con khỉ nhỏ về nuôi làm thú cưng. Chị bất ngờ bị khỉ cào xước da nhưng do chủ quan chị vẫn tiếp tục nuôi. Sau một thời gian chị có biểu hiện bị viêm da và được bác sĩ nhận định nguyên nhân có thể do vật nuôi trong nhà. 

Hay một trường hợp khác ở tỉnh Khánh Hòa, chú khỉ xổng ra ngoài và được bắt về cho vào lại chuồng. Nhưng từ đó, khỉ trở nên hung dữ và tấn công chị B.H.Y.T và chồng là anh P.Đ.K khiến hai người nhập viện vào Khoa Cấp cứu BVĐK Khánh Hòa trong tình trạng đa vết thương phức tạp ở tay trái và 2 chân do khỉ cắn. 

3. Vì sao chúng ta không thể nuôi động vật hoang dã như thú nuôi trong nhà 

  • Môi trường sống và hành vi

Động vật hoang dã được sinh ra và phát triển trong môi trường tự nhiên của chúng, nơi mà bản năng sinh tồn và hành vi săn mồi là rất quan trọng. Các loài này không được sinh ra để sống trong môi trường nuôi nhốt hay chung sống với con người.

Động vật hoang dã cần không gian rộng lớn để di chuyển, săn mồi, và duy trì các hành vi tự nhiên của chúng. Việc nuôi nhốt chúng trong những không gian chật hẹp trong chuồng không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của chúng mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, stress dẫn tới các hành vi bất thường.

Việc nuôi thú cưng từ động vật hoang dã là nguyên nhân đe dọa đến sự tuyệt chủng của các loài. Ảnh: ENV.
  • Thức ăn không được đảm bảo

Động vật hoang dã còn có chế độ ăn uống rất khác so với động vật đã được thuần hóa. Chúng có thể cần các loại thức ăn đặc biệt như thịt tươi sống, động vật nhỏ, hoặc các loài thực vật đặc biệt mà không dễ dàng có sẵn trong môi trường sống của con người. Việc cung cấp thức ăn không đúng loại có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của động vật.

  • Vi phạm pháp luật

Ngoài ra, nuôi động vật hoang dã làm thú cưng là phạm pháp, góp phần vào hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép các loài động vật, dẫn đến sự giảm sút số lượng và đe dọa sự tồn vong của chúng trong tự nhiên. Khi động vật hoang dã bị bắt khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng, chúng không còn có thể duy trì vai trò của mình trong hệ sinh thái.

Tạm kết

Động vật hoang dã có bản năng tự nhiên mạnh mẽ và cần môi trường sống đặc biệt để phát triển. Thay vì nuôi động vật hoang dã làm thú cưng, chúng ta nên tập trung bảo vệ các loài này trong môi trường tự nhiên của chúng và bảo vệ môi trường tự nhiên – mái nhà của chúng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *