Gấu là một trong những loài động vật hoang dã thường bị con người bắt nhốt để lấy mật. Hình ảnh các chú gấu tại các cơ sở khai thác mật bị giam giữ trong những chiếc lồng chật hẹp, thiếu không gian di chuyển, khiến ai nhìn vào cũng đều thấy xót xa.
1. Cuộc sống của những chú gấu bị giam cầm trong cái lồng chật hẹp
Hầu hết các cơ sở nuôi nhốt thường sử dụng những cái lồng chật hẹp, thiếu không gian, không những làm cho gấu cảm thấy bị giam cầm mà còn khiến chúng hình thành những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới tâm lý như đi vòng tròn, nắm tay và đập đầu vào thành lồng, cào xé lồng,…

Không chỉ dừng lại ở không gian sống hẹp mà chế độ ăn uống kém chất lượng, thiếu sự chăm sóc y tế còn dẫn đến tình trạng sức khỏe kém và suy dinh dưỡng. Do vậy, việc mắc bệnh hoặc chấn thương là một phần mà chúng phải chịu đựng hàng ngày. Thêm nữa, với sự “cô đơn” kéo dài, bị kích thích tinh thần trong môi trường nuôi nhốt đã khiến những chú gấu trở nên sợ hãi và thậm chí mất đi khả năng hành vi tự nhiên của chúng.
2. Nhờ nỗ lực giải cứu từ các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã và chính quyền, hàng ngàn con gấu được giải cứu khỏi cơ sở nuôi nhốt
Với những nỗ lực làm việc không mỏi mệt, các tổ chức bảo vệ động vật và chính quyền đã đưa những con gấu khỏi những cơ sở nuôi nhốt tới các trung tâm cứu hộ, bảo tồn. Chúng được chăm sóc và điều trị, để dần phục hồi lại các khả năng, hoạt động mà chúng từng có ngoài tự nhiên.
Chú gấu Húng từng phải chịu đựng môi trường nuôi nhốt lấy mật trong hơn 20 năm ở chiếc lồng nhỏ thiếu ánh sáng mặt trời, thiếu dinh dưỡng và chịu đau đớn từ việc lấy mật. Húng bị suy thận, cao huyết áp, bệnh tim, viêm da, rụng lông, gặp vấn đề về răng miệng do chế độ ăn uống không hợp lý trong trang trại. Húng đã gần như mù hoàn toàn do những tổn thương mắt khi bị nuôi nhốt. Một bên mắt của Húng đã phải phẫu thuật cắt bỏ ngay sau khi được giải cứu.

Và may mắn thay, năm 2019, Húng đã được giải cứu cùng với 4 cá thể gấu khác trong chuyến giải cứu gấu lớn nhất cả nước của Four Paws tại Bình Dương. Những chú gấu đã di chuyển gần 40 giờ và 1600 km trước khi đến ngôi nhà mới tại Khu Bảo tồn Gấu Ninh Bình. Trong 1 năm sau khi được cứu hộ, Húng đã nhận được những chăm sóc thú y và chế độ sinh hoạt tốt nhất. Húng kết bạn với gấu Khoai Lang và hình thành mối liên kết vô cùng thân thiết. Húng thích ăn bắp ngô tươi và bơi lội trong hồ bơi.
Hay như gấu Freddie là một chú gấu cao gần 2m, nặng 140kg bị gây mê rồi bị bó ép trong một cũi sắt để trong cốp sau của xe Kia Morning. Nếu không nhờ công an môi trường tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, Freddie có thể đã phải bỏ mạng trong chiếc cũi sắt nhỏ bé ấy. Sau hôn mê, điều đầu tiên Freddie làm là bò ra khỏi chiếc lồng sắt chật chội, tâm trạng sợ hãi, khát nước và thở phì phò giận dữ khi thấy người đến gần cho đến khi đoàn cứu hộ của Four Paws tới. Trong quá trình vận chuyển buôn bán trái phép đã khiến Freddie không thể thở bình thường, mất nước nghiêm trọng và căng thẳng trong một thời gian.


Không chỉ các tổ chức bảo vệ hành động hoang dã mới có thể “giải cứu” động vật mà mỗi chúng ta cũng có thể hành động từ những việc nhỏ, như chọn lựa sản phẩm tiêu dùng một cách thông thái, quyết nói “không” với các sản phẩm từ động vật hoang dã, không tiếp tay cho việc khai thác động vật hoang dã, lên tiếng phản đối các sản phẩm và dịch vụ này, thông báo các vi phạm tới cơ quan có thẩm quyền, ủng hộ các tổ chức bảo vệ động vật,… Chính từ những hành động nhỏ này sẽ dần tích góp tạo nên sự khác biệt lớn lao.
3. Góp phần “giải cứu” gấu là mang lại cho chúng một cuộc sống mới
Mỗi hành động của chúng ta, dù nhỏ hay lớn, đều có thể góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho chính mình và những sinh vật khác.
Việc những con gấu được giải cứu khỏi các cơ sở nuôi nhốt, đưa tới các cơ sở bảo tồn, không chỉ đơn thuần là một sự thay đổi nơi ở, mà còn là một quá trình hồi sinh toàn diện, từ thể chất đến tinh thần, bắt đầu lại cuộc sống. Được chuyển từ không gian chật hẹp, tù túng trong các cơ sở nuôi nhốt đến môi trường sống rộng rãi và tự nhiên hơn, gấu có cơ hội đi lại, leo trèo và khám phá môi trường xung quanh, phục hồi lại bản năng tìm kiếm thức ăn qua những đồ làm giàu. Ví dụ: các nhân viên tại trung tâm cứu hộ thường giấu thức ăn trong lá chuối, ống tre để gấu sử dụng năng lực khứu giác, phục hồi, phát huy khả năng kiếm ăn. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thể chất mà còn mang lại niềm vui và sự hứng khởi cho gấu.
Tại trung tâm cứu hộ, gấu còn được chăm sóc y tế toàn diện: được các bác sĩ thú y thăm khám định kỳ, điều trị các bệnh hiện có, được cung cấp chế độ ăn uống phù hợp với sở thích để dần phục hồi sức khỏe, cải thiện tình trạng tinh thần. Gấu sẽ khỏe mạnh và tràn đầy sức sống hơn. Ngoài ra, gấu còn có cơ hội tiếp xúc với các cá thể gấu khác và hòa nhập với môi trường tự nhiên. Được sống trong môi trường có các hoạt động làm giàu, gấu sẽ dần khôi phục lại hành vi tự nhiên, giảm bớt lo âu và dần thể hiện các hành vi tự nhiên như tìm kiếm thức ăn, xây dựng tổ và tương tác xã hội, điều này cho thấy sự hồi phục tinh thần đáng kể.
Tạm kết
Điều chúng ta luôn có thể làm để gấu và các loài sinh vật khác có cuộc sống tốt đẹp hơn đó là: Nói “không” và phản đối với các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã, thông báo các hành vi vi phạm về động vật hoang dã tới cơ quan chức năng.
Hãy cùng hành động mạnh mẽ để giúp những chú gấu không còn chịu đớn đau và được nhìn thấy ánh sáng!
Nguồn tin: Dân trí, Animals Asia, Free the bears, Four Paws.
