NÓI KHÔNG VỚI SỬ DỤNG CÁC BÀI THUỐC ĐƯỢC LÀM TỪ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

Sừng tê giác, mật gấu, tê tê, cao hổ và các bộ phận cơ thể khác của động vật hoang dã – những sản phẩm này thường được sử dụng trong các bài thuốc truyền thống và được quảng cáo là có lợi cho sức khỏe. Nhưng bạn có biết, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy,  những bài thuốc từ động vật hoang dã KHÔNG có tác dụng chữa bệnh hiệu quả và có nguy cơ GÂY HẠI cho sức khỏe rất lớn.

1. Hiện trạng sử dụng thuốc làm từ động vật hoang dã tại Việt Nam.

Việc sử dụng động thực vật hoang dã như các bài thuốc đã ăn sâu vào nhận thức của một bộ phận người dân từ hàng nghìn năm. Cho tới nay, dù chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ về tác dụng chữa bệnh của những bài thuốc này, nhiều người vẫn tin rằng chúng có khả năng chữa nhiều bệnh. Nhiều người bất chấp việc vi phạm pháp luật và hệ lụy tới sức khỏe của bản thân để tìm mua và dùng những sản phẩm này.

Với nhu cầu sử dụng cao đối với các thảo dược và động vật hoang dã trong y học cổ truyền đã dẫn đến khai thác quá mức, gia tăng tội phạm săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã. Từ đó, khiến nhiều loài trở nên quý hiếm và phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Ví dụ: hươu, tê giác, và gấu… đều bị săn bắn để lấy các bộ phận cơ thể như sừng, mật, chân, móng, để phục vụ cho y học cổ truyền.

Từ tháng 1 đến 31/03/2023, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV đã nhận được: 

  • 861 trường hợp mới được đăng nhập bởi ENV, trong đó bao gồm 2.423 vi phạm.
  • 478 trường hợp được người dân báo cáo cho ENV thông qua Đường dây nóng Tội phạm Động vật Hoang dã, trung bình 8 trường hợp mới mỗi ngày.
  • 418 trường hợp tội phạm internet được ghi lại bởi ENV, bao gồm 1.461 vi phạm.
  • 994 động vật sống được cứu và chuyển giao cho cơ quan nhà nước sau khi người dân báo cáo cho ENV qua Đường dây nóng tội phạm động vật hoang dã.
  • 126 trường hợp can thiệp thành công, cứu động vật hoang dã của cơ quan thực thi pháp luật.

2. Hệ quả tới sức khỏe khi sử dụng thuốc làm từ động vật hoang dã

Nguy cơ nhiễm trùng và bệnh từ động vật: Các sản phẩm từ động vật hoang dã có thể mang theo ký sinh trùng, vi khuẩn, hoặc virus gây bệnh cho người. Ví dụ: Mật gấu có thể chứa các loại ký sinh trùng và vi khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng.

Mật gấu được trích hút từ các cá thể gấu ngựa nuôi tại nhà đang chuẩn bị được tung ra thị trường (Ảnh: ENV)

Bệnh từ động vật: Một số động vật hoang dã có thể mang mầm bệnh truyền nhiễm như bệnh dại hoặc bệnh viêm gan… và việc sử dụng các sản phẩm từ chúng có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Dị ứng và gây tác dụng phụ: Sản phẩm từ động vật hoang dã có thể gây ra dị ứng ở một số người, dẫn đến các triệu chứng như phát ban, ngứa, hoặc sưng… Chưa kể có tác dụng phụ không mong muốn: vấn đề tiêu hóa, rối loạn nội tiết, hoặc tổn thương cơ quan…

Suy giảm hệ miễn dịch: Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, làm suy yếu khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật.

Nguy cơ độc tố: Một số động vật hoang dã có thể chứa các độc tố hoặc kim loại nặng và việc sử dụng các sản phẩm từ chúng có thể dẫn đến sự tích lũy độc tố trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe lâu dài.

Có thể thấy, việc sử dụng thuốc từ động vật hoang dã KHÔNG thấy tốt mà CHỈ GÂY HẠI cho sức khỏe, đặc biệt còn ảnh hưởng đến động vật và môi trường. Do đó, việc tìm kiếm và sử dụng các phương pháp điều trị thay thế là rất quan trọng.

3. Không sử dụng thuốc làm từ các loài động vật hoang dã trái phép mà nên thay thế bằng các cây thuốc an toàn, đã được khoa học kiểm chứng

Theo Viện Dược liệu, Việt Nam có khoảng 4.000 cây dược liệu đã được chứng nhận mang lại những lợi ích sức khỏe vô cùng tốt lại còn an toàn: 

Cây thuốc với thành phần 100% từ thiên nhiên nên đảm bảo an toàn tuyệt đối với sức khỏe

Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trấn kinh an thần, dùng để điều trị các triệu chứng bệnh do thời tiết như sốt cao, hôn mê nói nhảm, co giật, sốt phát ban… thì có rất nhiều vị thuốc, được các thầy thuốc Đông y sử dụng rộng rãi trong khám chữa bệnh thực tế như: bạch cập, đại thanh, đan sâm, địa hoàng, hoàng bá, hoàng liên, huyền sâm, huyết dụ, phục linh, trắc bách, xuyên tâm liên, ngưu bàng,…

Tác dụng điều trị các chứng huyết ứ, tiêu độc đã được y học cổ truyền sử dụng rộng rãi để chữa các bệnh về phong thấp, sốt rét, viêm ruột, mụn nhọt…Các vị thuốc này bao gồm: Bồ công anh, bụp giấm, cam thảo bắc, cỏ sữa lá lớn, diếp cá, hạ khô thảo, hoà sơn, hoàng cầm, hương nhu tía, ích mẫu, nghệ vàng,…

Tác dụng bổ thận, giảm đau, trừ phong thấp, làm mạnh gân cốt, dùng để chữa các chứng đau nhức, tê thấp,… có thể sử dụng nhiều cây thuốc như: ba kích, bách bệnh, bổ cốt toái, can thương, dây đau xương, dây gắm, đỗ trọng, độc hoạt, ngưu tất, nhục quế, phòng phong, thiên niên kiện, tang ký sinh,…

Tạm kết

Với nguồn dự trữ tự nhiên phong phú từ các loại cây thuốc, chúng có thể hoàn toàn đáp ứng nhu cầu về việc sử dụng dược liệu, chất chiết xuất, thành phần để sản xuất thuốc đông dược. Và việc thay thế các sản phẩm từ động vật hoang dã bằng các cây thuốc không chỉ giúp bảo vệ động vật và môi trường mà còn mở ra cơ hội cho việc phát triển các phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *