Săn bắt, buôn bán động vật hoang dã là phạm tội. Hãy cùng tìm hiểu pháp luật trong nước và quốc tế để hiểu rõ thêm về vấn đề này.
Việt Nam là một trong những “điểm nóng” về tình trạng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, điều này đã đe dọa sự sinh tồn của các loài động vật quý hiếm và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên. Đây không chỉ là hành vi tàn ác đối với động vật mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật và đạo đức xã hội.
Tại sao các đối tượng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã lại là tội phạm, hãy đọc ngay bài viết dưới đây để tìm hiểu về vấn đề này!
1. Các hiệp định quốc tế và các luật pháp Việt Nam nghiêm cấm săn bắt động vật hoang dã
Theo các luật pháp Việt Nam và Quốc Tế, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã là phạm tội, có thể bị xử lý nghiêm minh bằng các biện pháp hình sự. Bởi những hành vi này đã vi phạm các công ước và thỏa thuận quốc tế như Công ước CITES (Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp) và các luật pháp bảo vệ động vật của từng quốc gia.
Tại Việt Nam, hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã đều bị cấm và có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm”. Hình phạt có thể là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc thậm chí là án tù tùy theo mức độ vi phạm.
Điều 234 Bộ luật Hình sự về tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” là tội danh mới được quy định năm 2015 nhằm thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các Điều ước quốc tế về bảo vệ ĐVHD.
Về hình phạt, Bộ luật Hình sự 2015 đã nâng mức hình phạt tù từ tội phạm nghiêm trọng, cao nhất là 7 năm tù (khoản 2 Điều 190 BLHS 1999) lên đến khung 7-12 năm tù (khoản 3 Điều 234 BLHS 2015) thuộc tội phạm rất nghiêm trọng. Về hình phạt tiền, BLHS 2015 cũng nâng cao mức phạt tiền lên đến 1.500.000.000đ đối với cá nhân phạm tội và 6.000.000.000 đối với pháp nhân phạm tội, điều đó cho thấy mức độ nghiêm khắc của pháp luật hình sự áp dụng đối với tội vi phạm về bảo vệ ĐVHD.
Lần đầu tiên BLHS 2015 quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội đối với một số tội phạm, trong đó có tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD tại khoản 5 Điều 234 BLHS.
2. Một vài trường hợp bị cơ quan nhà nước bắt giam và xử phạt
Sau một thời gian rà soát, điều tra, cơ quan nhà nước đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã.
Như trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Hà đã sử dụng tài khoản Facebook với tên “Dược liệu Hà My” để quảng cáo, buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm như cao hổ, mật gấu và “thổi phồng” tác dụng chữa nhiều loại bệnh của chúng. Đường dây này do Tống Thị Lành (SN 1984, trú xã Phú Nhuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cầm đầu.
Hay một trường hợp khác, lực lượng công an đã phát hiện có một thùng xốp chứa 9 cá thể động vật tê tê đã chết và một thùng xốp khác chứa 17 cá thể động vật rùa đang còn sống cùng với nhiều tang vật khác có liên quan. Tiến hành điều tra xác minh, Công an thị xã Nghi Sơn đã bắt tạm giam Phan Quốc Vương – người đã gửi thùng xốp chứa 17 cá thể rùa còn sống – và Tống Thị Lành – người cầm đầu về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Hành vi tàng trữ, buôn bán các sản phẩm như cao hổ, mật gấu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 5 năm tù đối với cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Quảng cáo, rao bán trên Internet, đối tượng vi phạm cũng bị xử phạt vi phạm hành chính từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
3. Tại sao săn bắn trái phép động vật hoang dã không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành động hủy diệt thiên nhiên.
Động vật hoang dã có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái của môi trường. Mỗi loài động vật đều góp phần vào chuỗi thức ăn và các quá trình tự nhiên khác. Khi các loài động vật hoang dã bị săn bắt trái phép quá mức, không chỉ môi trường sống của chúng bị đe dọa, mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các loài khác trong cùng một hệ sinh thái.
Một ví dụ rõ ràng là khi loài vật săn mồi lớn như hổ bị giết, các loài động vật ăn cỏ sẽ không bị kiểm soát, dẫn đến sự bùng nổ số lượng của quần thể động vật ăn cỏ là hươu, nai,… gây áp lực lên các nguồn tài nguyên thực vật trong khu vực, dẫn đến tình trạng cạn kiệt thực vật và xói mòn đất.
Săn bắt và buôn bán động vật hoang dã còn liên quan đến các nguy cơ về sức khỏe. Nhiều động vật hoang dã bị giết thịt hoặc làm thực phẩm mà không qua kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể mang mầm bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm cho con người. Những bệnh dịch nguy hiểm như SARS, Ebola…đều có liên quan đến việc con người tiếp xúc với động vật hoang dã.
Thêm một dẫn chứng cho thấy việc săn bắn trái phép động vật hoang dã sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và cộng đồng địa phương. Như khu bảo tồn quốc gia Châu Phi, nơi tê giác và voi đã trở thành một nguồn thu lớn từ du lịch sinh thái. Nếu tình trạng săn bắn trái phép không được ngừng lại, các khu vực này sẽ mất đi giá trị du lịch và nền kinh tế của cộng đồng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.
Tạm kết
Săn bắt và buôn bán động vật hoang dã không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của các loài động vật quý hiếm và sự ổn định của hệ sinh thái toàn cầu. Để bảo vệ hành tinh và thế hệ tương lai, mỗi cá nhân, tổ chức và quốc gia cần chung tay chấm dứt những hành động vi phạm pháp luật này. Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ chính chúng ta, sự sống và thiên nhiên.
