SĂN BẮT, BUÔN BÁN, SỬ DỤNG HỔ: PHÁ VỠ HỆ SINH THÁI, “GẶT HÁI” HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã diễn biến phức tạp, đẩy nhiều loài động thực vật đứng trước bờ vực tuyệt chủng, giảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái và tổn hại trực tiếp đến tương lai của con người. Mỗi một loài động thực vật đều đóng vai trò quan trọng để duy trì cân bằng sinh thái. Việc giảm số lượng loài này có thể dẫn đến bùng nổ số lượng hay kéo theo sự biến mất của loài khác, gây mất cân bằng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực sống đó. Đặc biệt, chuỗi nhân quả này thể hiện rất rõ ở những loài động vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn, như loài Hổ.

1. Hổ đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng

Lần cuối cùng hổ được ghi nhận ở ngoài tự nhiên là vào năm 1998, tại Nghệ An.

Theo số liệu thống kê của ENV, hơn 10 năm qua, số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh từ 97 (năm 2010) lên 364 (năm 2021) tại 22 cơ sở, chủ yếu là các trang trại và sở thú tư nhân. Tất cả các cơ sở này đều đã được đăng ký hoặc đặt dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nuôi hổ không vì mục đích thương mại. Nhưng đối chiếu với các điều kiện và mục tiêu của hoạt động nuôi hổ bảo tồn, ENV cho rằng, không có bất cứ cơ sở nào trong những cơ sở nuôi nhốt hổ tại Việt Nam đang thực hiện hoạt động này.

Hổ bị con người săn lùng để làm cao, ngâm rượu, lấy da, vuốt và nanh. Con người sử dụng mọi bộ phận của Hổ để kiếm lời.

Hổ đông lạnh do Công an tỉnh Nghệ An thu giữ năm 2018 (Nguồn: Tiền Phong).

2. Cao hổ cốt, rượu ngâm hổ hiệu quả tới đâu?

Lương y Hoàng Tuyết Minh (Nhà thuốc gia truyền Minh Châu) chia sẻ: “Xưa kia, đời ông nội, rồi đến bố tôi cũng nấu nhiều hổ lấy cao trị bệnh, nhưng theo lời đánh giá của bố tôi, rồi đến tôi, thì cao hổ có lẽ chỉ là thực phẩm thông thường, chẳng có tác dụng gì khủng khiếp như đồn thổi. Cao hổ cốt chẳng qua cũng chỉ là keo xương, và các chất từ xương một loài động vật mà thôi.

Nhà tôi có nghề gia truyền trị các bệnh về xương khớp, đặc biệt là thoái hóa xương khớp. Bản thân tôi đã kiểm nghiệm lâu dài tác dụng của cao hổ cốt, song thực sự tôi thấy hiệu quả là không có gì. Trong khi đó, những bài thuốc từ cây cỏ rẻ tiền trong rừng, lại có tác dụng chữa bệnh xương khớp rõ rệt.

Thủ thuật của những người nấu cao hổ, là thường cho một lượng nhất định thuốc phiện vào trong cao hổ. Thuốc phiện có tác dụng giảm đau và hưng phấn thần kinh, nên khi dùng cao hổ có trộn thuốc phiện, người dùng có cảm giác hiệu quả, chứ thực ra, chẳng phải do tác dụng của cao hổ.

Hổ là động vật quý hiếm, cao xương hổ thực sự chẳng có tác dụng gì rõ rệt, lại rất đắt đỏ, do đó, là người hiểu biết, không nên sử dụng cao hổ. Ngoài ra, hổ bây giờ thường được mang từ nước ngoài về, họ tẩm hóa chất bảo quản, hóa chất ngấm vào xương, nên rất độc hại cho sức khỏe người dùng”.

Cao hổ không phải thần dược mà có khi là… thuốc độc (Nguồn: Lao Động).

3. Cải thiện sức khỏe chưa thấy, còng số 8 đã hiện hữu trước mặt

Phạt tù đến 15 năm

Theo điều 244 Bộ luật hình sự, tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm: Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tùy theo hành vi vi phạm, số lượng cá thể bị vi phạm có thể bị phạt đến 15 năm tù, phạt tiền đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm; pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền đến 15 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm,…

Hành động mua bán hổ và các bộ phận của chúng trên thị trường quốc tế đã bị cấm từ năm 1987, sau khi các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) bỏ phiếu thông qua. Năm 2007, các bên của Công ước CITES thông qua quy định hổ không được nuôi để buôn bán. 

Hệ lụy tới môi trường sống của con người khi hổ bị nuôi nhốt.

Trong tự nhiên, hổ là một trong những loài thuộc nhóm đứng đầu chuỗi thức ăn. Để tồn tại, chúng rất cần có các kỹ năng chạy, săn, rình mồi và bảo vệ lãnh thổ. Mỗi con hổ ở Nghệ An nặng từ 250 – 300kg, bằng chứng cho thấy chúng bị thừa cân. Việc tái thả những cá thể hổ này ngoài tự nhiên, nếu còn sống, sẽ tăng nguy cơ hổ tấn công, gây nguy hiểm cho con người. 

Do không thể tự kiếm ăn, cộng với việc đã quen tiếp xúc với con người trong môi trường nuôi nhốt, hổ sau khi được tái thả có xu hướng tới gần khu dân cư tìm thức ăn là vật nuôi, thậm chí là con người. Hổ được tái thả có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quần thể hổ ngoài tự nhiên và các loài động vật khác. Gene lặn suy thoái trong các cá thể hổ sinh ra do giao phối cận huyết có thể tác động và gây nên những biến đổi không mong muốn đối với nguồn gene tự nhiên.

Tiêu thụ và săn bắt động vật hoang dã làm suy giảm sự cân bằng và đa dạng của tự nhiên, tác động trực tiếp đến kinh tế khi ngành du lịch sinh thái vốn phụ thuộc vào sự tồn tại của động vật hoang dã, sẽ bị tổn hại nặng nề khi các loài này bị khai thác quá mức. 

Ngoài ra, khi con người săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã có thể dẫn đến sự lây lan của bệnh tật từ động vật sang người. Nhiều bệnh truyền nhiễm như Ebola, SARS… đều bắt nguồn từ động vật hoang dã, gây ra các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Tháng 8/2021, lực lượng chức năng tiêm thuốc mê và vận chuyển hổ bị nuôi nhốt trái phép ở Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An về khu sinh thái nhờ chăm sóc. (Nguồn: Tiền Phong).

4. Giải pháp cho hổ bị nuôi nhốt là gì?

Chúng ta có thể nghĩ ngay tới việc chuyển những con hổ còn sống đến những đơn vị được cấp phép với điều kiện chăm sóc tốt, có cơ sở vật chất đảm bảo phúc lợi động vật là sự lựa chọn phù hợp. Bên cạnh đó, hoạt động mở cửa cho khách tham quan có thể mang lại nguồn tài chính hỗ trợ việc chăm sóc động vật cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên hoang dã.

Theo Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam – Save Vietnam’s Wildlife (SVW), thực tế không có nhiều đơn vị đồng ý thu nhận các cá thể này. Đa số các đơn vị vườn thú và Safari lớn ở Việt Nam đã nhận đủ số lượng hổ trong giới hạn cho phép. Chi phí thức ăn, chăm sóc và đảm bảo môi trường sống phù hợp cho hổ rất cao. Ngoài ra, diện tích chuồng trại tại các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã của nhà nước hoặc các tổ chức phi lợi nhuận có hạn. Do vậy, đây là gánh nặng lớn với công tác chuyển giao và tiếp nhận các cá thể hổ bị tịch thu.

Theo SVW, việc cứu hộ các loài động vật hoang dã cũng là vấn đề không dễ dàng, cần rất nhiều sự hỗ trợ về tài chính, nhân lực có kinh nghiệm và tinh thần. Các tổ chức bảo tồn, trung tâm cứu hộ cần được san sẻ cũng như giảm áp lực tài chính giúp cho các con vật được chăm sóc trong điều kiện tốt hơn.

Trong tháng 8-2021, có 7 cá thể hổ con được lực lượng chức năng tịch thu trong một vụ vận chuyển trái phép vào ngày 1-8 tại Nghệ An đã được chuyển đến chăm sóc tại trung tâm cứu hộ của SVW. 

Các cá thể này khoảng 1 – 1,5 tháng tuổi, uống sữa 6 lần/ngày. Đều đặn sau 4 tiếng, các nhân viên chăm sóc và bác sĩ thú y của SVW lại cho hổ con uống 100ml sữa. Trung bình một ngày, 7 em bé hổ này uống hết 1kg sữa bột, tốn gần 1,2 triệu đồng.

5. Chấm dứt sử dụng động vật hoang dã là giải pháp cốt lõi

Cơ quan nhà nước: Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ người ra vào khu vực biên giới, đặc biệt là các đối tượng cấu kết với người địa phương tham gia buôn bán động vật hoang dã trái phép.

  • Xây dựng và duy trì các khu vực bảo vệ động vật hoang dã, tạo ra môi trường sống an toàn cho chúng và đảm bảo các khu bảo tồn được quản lý chuyên nghiệp với sự tham gia của cộng đồng địa phương.
  • Kết hợp cùng các tổ chức Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã triển khai các chương trình giáo dục tại trường học và cộng đồng về tầm quan trọng, nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật và môi trường.

Đối với người dân: Cần nâng cao ý thức, sử dụng mạng xã hội để lan tỏa thông điệp bảo tồn và kêu gọi hành động. 

  • Nói không với săn bắt, tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã để tránh tác động đến môi trường sống, môi trường sinh thái của tất cả cá thể sống.
  • Tham gia các hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận hoặc cơ quan bảo tồn, như trồng cây, phục hồi môi trường…
  • Báo cáo các hành vi săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép cho cơ quan chính quyền.

Tạm kết

Việc bảo tồn, ngăn chặn nạn săn bắt động vật hoang dã là một nhiệm vụ cấp bách và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi cá nhân, mỗi hành động đều sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ động vật và môi trường tự nhiên cho thế hệ tương lai.

Nguồn tin: báo Tuổi trẻ, Vietnamnet, Lao Động, Đảng Cộng sản.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *