Việt Nam từng là “tổ ấm” của nhiều loài động vật quý hiếm. Trong số đó, gấu – biểu tượng của sức mạnh núi rừng – đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng. Ở Việt Nam, hiện còn rất ít cá thể gấu được ghi nhận còn tồn tại trong tự nhiên.
Năm 2021, cả nước có 595 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các cơ sở tư nhân trên 39 tỉnh thành, và khoảng 300 cá thể đang được chăm sóc và hồi phục trong các trung tâm cứu hộ (theo VTV). Một số nhà khoa học cho rằng, quần thể gấu trong tự nhiên đã suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do hoạt động buôn bán các bộ phận cơ thể gấu, đặc biệt là túi mật sử dụng cho mục đích làm thuốc đông y.
Nạn nhân tội nghiệp khi con người “thần thánh hóa sức mạnh thiên nhiên”
Nhu cầu tiêu thụ mật gấu hiện đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của các loài gấu Việt Nam, nhất là loài gấu ngựa và gấu chó.


Gấu trở sẽ nên bất hạnh khi con người tin vào những điều phi lý. Điển hình như mật gấu được cho rằng có thể xoa bóp, giảm sưng đau. Cho dù có hàng loạt phương thuốc và thực phẩm thay thế tốt hơn, người ta vẫn tìm đến gấu. Gấu bị nuôi nhốt, chặt tay, và chọc một lỗ to ở bụng, xuyên vào túi mật để hút hàng ngày. Lấy mật gấu là một trong những hình thức ngược đãi động vật tàn nhẫn nhất trên thế giới.

Nguồn ảnh: Four Paws.
Việc khai thác gấu lấy thịt và hoạt động thương mại các sản phẩm từ gấu tại Việt Nam cũng đang diễn ra một cách bất hợp pháp. Điều này gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho quần thể gấu. Việc săn bắt và tiêu thụ thịt gấu có thể gây tác động lớn đến việc cân bằng sinh thái, kiểm soát quần thể động vật hoang dã và giữ cân bằng các loài thực vật. Ăn thịt gấu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và các loại bệnh truyền nhiễm khác lây lan và gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Ngoài ra, mối nguy hiểm của các sản phẩm từ gấu nói chung đến từ điều kiện nuôi nhốt và khai thác không đảm bảo. Nhiều chủ sở hữu trang trại gấu chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không màng đến sự phát triển tự nhiên của loài động vật vốn thuộc về tự nhiên, dẫn đến tình trạng khai thác quá mức và quần thể gấu ngày càng hiếm.
Nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam
Từ năm 2005, Việt Nam đã ban hành luật cấm mọi hình thức lấy mật gấu. Ngoài ra, gấu được liệt kê trong Nhóm IB, loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP. Điều này chứng minh nỗ lực của nhà nước trong việc đáp ứng những tiêu chí về phúc lợi động vật phổ biến trên thế giới. Đó là việc nâng cao nhận thức của con người khi chứng kiến sự đau đớn của loài gấu bị nhốt và “khai thác” quá mức trong chuồng cũi không tự do. Đó là việc ra sức bảo vệ sự toàn vẹn giống loài, đa dạng sinh học cho tương lai của chính cuộc đời mình.

Nguồn ảnh: Four Paws
Năm 2015, một chiến dịch cứu hộ gấu lớn nhất do tổ chức Động vật châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh trong vòng 5 tháng đã thành công di chuyển 14 cá thể gấu nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại vườn quốc gia Tam Đảo. Chiến dịch cứu hộ này đánh dấu sự khởi đầu của các nỗ lực bảo tồn và là dấu chấm hết của nạn nuôi gấu lấy mật tại tỉnh này, góp phần bảo vệ và bảo tồn loài loài động vật quý hiếm của Việt Nam.
Tình trạng nuôi gấu lấy mật lấy thịt, và các sản phầm từ chúng giảm đáng kể tại Việt Nam nhờ sự vận động tích cực của các trung tâm cứu hộ gấu và chiến dịch năm 2015. Nhiều chủ nuôi nhận ra sự tàn bạo của hình thức khai thác này, đã tự nguyện nộp gấu cho các trung tâm cứu hộ, nơi các con vật có môi trường sống gần với tự nhiên hơn.

Nguồn ảnh: Báo Nhân dân
Năm 2019, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV đã phát hành phim tài liệu “Hãy cho gấu cuộc sống tốt đẹp hơn” – mô tả cuộc sống tươi đẹp đang chờ đợi gấu tại các trung tâm cứu hộ. Bộ phim nhằm khuyến khích chủ gấu tự nguyện chuyển giao các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục và thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân về những hạn chế và hậu quả của việc nuôi nhốt này.
Video: Hãy cho gấu cuộc sống tốt đẹp hơn. Nguồn: Tương lai xanh (VTV1).
Nếu so với con số 4000 cá thể gấu bị nuôi nhốt bất hợp pháp trong các trang trại hộ gia đình vào năm 2005, thì tới năm 2021, con số này chỉ còn khoảng 300 cá thể. Đây là kết quả của nhiều giải pháp quyết liệt và nỗ lực lan tỏa của các cơ quan chức năng và các tổ chức trong việc ngăn chặn tình trạng nuôi nhốt gấu để chích hút mật và các hoạt động thương mại bất hợp pháp.
Hãy thương lấy gấu

Cứu hộ gấu là một trong những hoạt động thành công nhất tại Việt Nam từ trước đến nay hướng tới phúc lợi động vật và bảo tồn các loài động vật hoang dã.
Tăng cường nhận thức về hậu quả, giảm thiểu nhu cầu, tác động đến thái độ, hành vi và quan niệm về việc sử dụng các sản phẩm từ gấu là những việc cực kỳ quan trọng. Cùng chúng tôi hướng về mục tiêu chung: chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ mật gấu, thịt gấu nhé!
Tạm kết
Để thay đổi được một quan niệm, cần phải có thời gian. Cùng chúng tôi chung tay chia sẻ tới cộng đồng bài viết này để thay đổi nhận thức về thực trạng và hậu quả của việc sử dụng các sản phẩm từ gấu, từ đó dần xóa đi nhu cầu sử dụng mật gấu, thịt gấu và săn bắt trái phép.
Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã trái phép, các bạn đang góp sức chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và cứu lấy các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tham gia hành động cùng chúng tôi ngay lúc này!
