Động vật hoang dã ngày nay đang phải đối diện với nhiều mối đe dọa từ chính con người: săn bắt trái phép; giết hại để lấy móng, ngà,… Những hành động sai trái này đã gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và các sinh vật khác.
Vậy để hiểu rõ hơn về các loài động vật quý hiếm này và cách thức để bảo vệ chúng khỏi những hành động độc ác, mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây. Ngoài ra, nếu có thêm bất kỳ câu hỏi nào về động vật hoang dã và các vấn đề liên quan, hãy bình luận ngay dưới bài viết này để được trả lời nhé!
- Pháp luật Việt Nam quy định thế nào về việc săn bắt, buôn bán, tàng trữ các loài ĐVHD trái phép?
Trong pháp luật Việt Nam, các loài động vật hoang dã được chia thành 4 nhóm:
1) Loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
2) Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, và thực thi Công ước buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
3) Loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES);
4) Loài động vật rừng thông thường;
5) Loài động vật trên cạn khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư, trừ một số loài thuộc Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan công bố.
Các hành vi vi phạm về săn bắt, buôn bán, tàng trữ trái phép các loài động vật thuộc nhóm 1, 2, và 3 có nguy cơ bị xử phạt hành chính hoặc truy tố trách nhiệm hình sự. Các loài này được ưu tiên bảo vệ do số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng, và là những loài đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường và văn hóa – lịch sử.
Hiểu một cách đơn giản, các loài ĐVHD được pháp luật bảo vệ là những loài với số lượng cá thể trong tự nhiên còn rất thấp, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường và văn hóa – lịch sử; và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt và nhu cầu tiêu thụ của con người.
Ví dụ về một số loài ĐVHD tại Việt Nam thường xuyên bị săn bắt, buôn bán, tàng trữ trái phép:
- Linh trưởng: culi, chà vá, voọc, vượn.
- Thú ăn thịt: hổ, báo gấm, gấu, rái cá, cầy mực, cầy gấm, tê tê.
- Loài móng guốc chẵn: bò tót, hươu vàng, mang, sơn dương.
- Voi.
- Rùa: rùa đầu to, rùa Trung bộ, rùa hộp Việt Nam, rùa hộp trán vàng, đồi mồi, vích.
- Một số loài chim: sếu đầu đỏ, cắt lớn, hồng hoàng, gà tiền mặt đỏ, v.v…
Để có danh sách chi tiết các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, hãy tham khảo Nghị định 160/2013/NĐ-CP; Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP; và Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
- Các hình thức tiêu thụ ĐVHD nào đang đẩy các loài động vật này đến bờ vực tuyệt chủng?
Không có cầu sẽ không có cung – nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD đã và đang làm gia tăng các hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép và đẩy các loài đến nguy cơ tuyệt chủng. Chúng ta cần từ chối, phản đối, lên án, và báo cáo các hành vi tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD trái phép, bao gồm:
- Không tiêu thụ thịt ĐVHD trái phép.
- Không tiêu thụ rượu ngâm từ ĐVHD trái phép.
- Không sử dụng các đồ trang sức, trang trí, thời trang có nguồn gốc từ ĐVHD trái phép.
- Không sử dụng các bài thuốc có nguồn gốc từ ĐVHD trái phép.
- Không nuôi nhốt ĐVHD trái phép làm cảnh hoặc thú cưng.
- Các hành vi vi phạm về ĐVHD có thể bị xử phạt như thế nào?
Mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã – tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21, 22, 23, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp (mức phạt tiền cao nhất đến 360 triệu đồng), hoặc có thể bị xử lý hình sự theo Điều 234, 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (mức phạt tù cao nhất đến 15 năm tù).
- Tôi không sinh sống ở gần rừng, làm thế nào để tôi có thể tham gia vào công tác bảo tồn ĐVHD?
Bạn không cần phải sống ở gần rừng và các khu bảo tồn để có thể tham gia vào việc bảo vệ ĐVHD. Trên thực tế, các khu vực thành thị, tập trung đông dân cư có thu nhập cao là nơi những hoạt động kinh doanh và buôn bán ĐVHD trái phép diễn ra phức tạp nhất do nhu cầu tiêu thụ cao.
Dưới đây là gợi ý những hành động mà bất kì người dân nào cũng có thể làm để góp phần chung tay bảo vệ các loài ĐVHD – Từ chối, Phản đối, Tẩy chay, Báo cáo:
- Cấp độ 1 : Bản thân – Điều đơn giản nhất mà bạn có thể làm để bảo vệ ĐVHD là tự cam kết với bản thân không sử dụng và từ chối các sản phẩm từ ĐVHD trái phép.
- Cấp độ 2: Gia đình và người thân – Lên tiếng phản đối và vận động bạn bè, người thân không sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD.
- Cấp độ 3: Cộng đồng
- Báo cáo các vi phạm về ĐVHD tới đường dây nóng hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- Theo dõi, ủng hộ và tham gia các hoạt động và chiến dịch bảo vệ ĐVHD của các đơn vị và tổ chức trong nước.
QUY TRÌNH THÔNG BÁO VI PHẠM:
Đối với các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các thông tin tố giác từ người dân góp phần hỗ trợ lực lượng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường thu thập thông tin kịp thời về các hành vi vi phạm pháp luật trong việc bảo vệ môi trường và động thực vật hoang dã.
Bước 1: Người dân phát hiện các thông tin liên quan đến vi phạm về ĐVHD thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các hành vi sau:
- Nuôi nhốt trái phép ĐVHD làm cảnh/thú cưng.
- Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các loài ĐVHD trái phép.
- Quảng cáo trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ chúng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Bước 2: Người dân ghi nhận lại các thông tin liên quan đến vi phạm đó, bao gồm:
- Địa chỉ diễn ra vi phạm.
- Hình ảnh/video ghi nhận vi phạm.
Bước 3: Người dân báo cáo vi phạm tới đường dây nóng của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV:
- Gọi số hotline: 18001522 (Từ thứ 2 tới thứ 6 trong khung giờ từ 8h đến 17h30).
- Gửi email tới: hotline.env@gmail.com
- Nhắn tin, thông báo tới Fanpage ENV hành động vì động vật hoang dã.
Một số đường dây nóng và công cụ báo cáo tại các tỉnh:
- Tỉnh Đắk Lắk: Ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến – kết nối với đường dây nóng của ENV.
- Tỉnh Thừa Thiên Huế: 0844773030 – ứng dụng Hue-S.
Bước 4: Thông tin được tiếp nhận và giao cho Chi cục Kiểm lâm địa phương để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bước 5: Người báo cáo sẽ được cập nhật tình hình xử lý vi phạm và tình trạng cá thể ĐVHD.
Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã trái phép, các bạn đang góp sức chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và cứu lấy các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tham gia hành động cùng chúng tôi ngay lúc này!