Tê tê là động vật hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong số 4 loài tê tê châu Á đã có đến 2 loài nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp (EN) của Danh lục Đỏ IUCN. Cả 2 loài này đều có tại Việt Nam, đó là: tê tê vàng (Manis pentadactyla) và tê tê Java (Manis javanica). Chúng đều được bảo vệ ở mức độ cao nhất theo quy định của pháp luật hiện nay.
1. Tình trạng buôn bán, ăn và dùng Tê Tê làm thuốc, rượu đang ngày càng nghiêm trọng
Tê tê là loài thú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, khoảng 100,000 cá thể/năm. Cứ mỗi 5 phút, một cá thể tê tê lại bị giết hại.
Không chỉ ở Việt Nam mà cả Đông Nam Á, tình trạng buôn bán tê tê ngày càng cao do bị thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu thụ thịt, vảy và các bộ phận cơ thể của tê tê dùng làm thuốc, đồ trang sức. Với những công dụng được truyền tai nhau như: Thịt tê tê là một loại đặc sản; vảy, bào thai và máu của tê tê được dùng làm thuốc và ngâm rượu tốt cho sức khoẻ; các món đồ trang sức làm từ vảy tê tê được sử dụng để khẳng định đẳng cấp của người dùng,…đã làm cho việc săn bắt và tiêu thụ tê tê ở Việt Nam bị “bình thường hóa”.

Ảnh: Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam.
Với vị trí địa lý quan trọng, Việt Nam trở thành một trong những điểm nóng trung chuyển các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép tới các thị trường tiêu thụ. Tê tê không những bị buôn bán từ trong nước, mà còn tới các nước Đông Nam Á khác, Châu Phi và thị trường chính là Trung Quốc. Một số vụ buôn bán số lượng lớn vảy tê tê đã bị lực lượng chức năng phát hiện như: 24 tấn tê tê đông lạnh tại cảng Hải Phòng có xuất xứ từ Indonesia, 447 kg tê tê sống tại Hà Tĩnh năm 2011, 300kg tê tê sống ở Nghệ An năm 2012, 1,700 kg tê tê nguồn gốc từ Châu Phi đi tới thị trường Trung Quốc,… Các đối tượng buôn bán sử dụng các thủ đoạn giấu hàng và khai báo sai về loại hàng hóa (như thủy sản, rong biển, vỏ sò), nhập khẩu trái phép vào Việt Nam qua các cửa khẩu miền trung từ Lào vào Việt Nam.
Tuy vậy, những vụ vi phạm nghiêm trọng về buôn bán ĐVHD nói chung và các sản phẩm từ tê tê trái phép vẫn chưa bị áp dụng các chế tài xử phạt mạnh mẽ, nghiêm khắc nên chưa tạo được tính răn đe hiệu quả, khiến cho cộng đồng vẫn chưa có cái nhìn chính xác về tình trạng rất nguy cấp của loài tê tê trước bờ vực tuyệt chủng.
2. Tê Tê là một loài động vật quý hiếm đang cần được bảo vệ cấp thiết
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tất cả 8 loài tê tê đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong 4 loài tê tê châu Á có 2 loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN ở mức cực kỳ nguy cấp (EN). Bốn loài tê tê châu Á đều có số lượng giảm nhanh chóng đến 50-90% trong khoảng 20 năm gần đây. Còn lại bốn loài tê tê châu Phi đều nằm trong Danh lục đỏ IUCN ở mức độ hiếm (V) và suy giảm với mức dự đoán từ 30-40%. Hiện ước tính có hơn 1 triệu con tê tê hoang dã đã bị săn bắt và buôn bán trái phép trong hơn thập kỷ qua để đáp ứng các nhu cầu sử dụng của con người.

Ảnh: doanhnghiephoinhap.vn
Báo cáo của IUCN cho thấy, nguyên nhân chính đe dọa sự sống còn của tất cả 8 loài tê tê là do thịt tê tê được “truyền tai nhau” là một thực phẩm cao cấp và vảy được “thần thánh hoá” như một thành phần trong các loại thuốc truyền thống châu Á. Cùng với đó là tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép tê tê đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới đã góp phần đẩy tê tê đến bờ vực tuyệt chủng.
3. Quy định của pháp luật Việt Nam khi săn bắt, buôn bán, vận chuyển và ăn thịt Tê Tê
Căn cứ Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Phụ lục 1 Nghị định 84/2021/NĐ-CP và Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Phụ lục 1 Nghị định 64/2019/NĐ-CP thì tất cả các loài tê tê bao gồm: Tê Tê java và Tê Tê Vàng đều thuộc 02 danh mục động vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và cần được ưu tiên bảo vệ.
Như vậy, những người có hành vi sau đây có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
- Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
- Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật hoang dã.
Hình phạt với tội này là bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tạm kết
Nạn săn bắt, mua bán đối với tê tê nói riêng và với cả các loài động vật hoang dã khác nói chung đều đang diễn ra vô cùng nhức nhối trên thế giới và ở Việt Nam. Con người đã và đang dồn các loài động vật hoang dã tới trước bờ vực của sự tuyệt chủng. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần tự nâng cao ý thức, bắt tay hành động và chấm dứt sử dụng động vật hoang dã để bảo vệ các loài động vật này.
Nguồn thông tin tham khảo: Tạp chí Môi trường, Thư viện Pháp luật.
Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã trái phép, các bạn đang góp sức chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và bảo vệ các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tham gia hành động cùng chúng tôi ngay lúc này!