Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ – tuần tra rừng, tháo gỡ bẫy, bắt giữ vi phạm – của “những người hùng” đã giúp giảm đáng kể các mối đe dọa và giải cứu hàng ngàn động vật hoang dã ở một số khu vực bảo tồn có độ đa dạng sinh học cao tại Việt Nam.
1. Thực trạng đặt bẫy, săn bắt động vật hoang dã trong các khu bảo tồn tại Việt Nam
Tại các khu bảo tồn ở Việt Nam như Vườn quốc gia Cúc Phương, Phong Nha – Kẻ Bàng, Yok Don, Ba Na, hay các khu bảo tồn thiên nhiên khác thường xuyên phải đối mặt với thách thức săn bắn và đặt bẫy trái phép. Đặt bẫy dễ dàng, chi phí thấp lại mang đến hiệu quả cao, đây là nguyên nhân chính khiến bẫy động vật được giăng khắp nơi ở các khu bảo tồn trên cả nước.
Việc đặt bẫy đã đe dọa trực tiếp đến hệ động vật ở Việt Nam và đẩy nhiều loài động vật quý hiếm đến bờ vực tuyệt chủng như: sao la, mang lớn, thỏ vằn Trường Sơn và cheo cheo lưng bạc.
Nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, thuộc diện bảo tồn như: tê tê, hổ, báo, voi, vượn, gấu, các loài thú ăn thịt, linh trưởng, bò sát và các loài chim quý. Các loài này bị săn bắt để lấy thịt, da, sừng, móng, hoặc các bộ phận cơ thể khác có giá trị trên thị trường bất hợp pháp.
2. “Những anh hùng” thầm lặng trong công cuộc đi giải cứu, tháo gỡ bẫy dây giúp giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã
Trong 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao La đã phải đi bộ xuyên rừng, vượt địa hình đồi núi cao và hiểm trở, gỡ bỏ gần 120.000 bẫy dây.
Tại tỉnh Quảng Nam, các Đội tuần tra bảo vệ rừng được thành lập với 12 đợt tuần tra tại các điểm nóng khai thác, điểm nóng săn bắt. Bên cạnh đó, hệ thống cấp tin báo được thiết lập trong vùng đệm Khu bảo tồn đã ngăn chặn kịp thời và hiệu quả các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn.
Bằng sự nỗ lực tuyệt vời, lực lượng bảo vệ rừng Quảng Nam đã phát hiện, giải cứu thành công nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm như sơn dương, tê tê, rùa viền, rùa đầu to. Thêm tin vui là số lần giải cứu này đều có sự chung tay của người dân địa phương, cho thấy cộng đồng phụ thuộc sinh kế vào rừng đã có ý thức và hành động chung tay bảo vệ sinh thái rừng.
Tại Vườn quốc gia Pù Mát, biệt đội bảo vệ động vật hoang dã Pù Mát được thành lập bởi Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam để giải cứu và bảo vệ thú rừng. Nhiệm vụ của đội là triển khai các tuyến tuần tra bảo vệ rừng, truy quét, ngăn chặn cũng như gỡ bỏ các loại bẫy, lán trại, tịch thu súng săn, ngăn chặn con người tiếp cận khu vực cấm khai thác động thực vật tại Vườn quốc gia Pù Mát.
Chân dung đội bảo vệ động vật hoang dã Pù Mát
Dù quãng đường tuần tra rất nguy hiểm, có thể rơi xuống vách đá hay gặp phải sự chống trả của các đối tượng vi phạm ngay trong rừng sâu, nhưng vì “yêu rừng, yêu thiên nhiên” mà mỗi thành viên đều kiên trì mỗi tháng tuần tra 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 7 – 10 ngày.
3. Không chỉ các nhóm bảo tồn mà tất cả mọi người đều có thể chung tay phối hợp trong việc bảo vệ động vật hoang dã
Bảo vệ động vật hoang dã không phải là trách nhiệm của riêng các tổ chức bảo tồn hay lực lượng kiểm lâm, mà là một nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Mọi người, từ cá nhân cho đến các nhóm, cơ quan, và cộng đồng đều có thể đóng góp vào công cuộc bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã từ những điều nhỏ nhất như chia sẻ thông tin về các loài động vật hoang dã, những nguy cơ mà chúng đối mặt, và tầm quan trọng của việc bảo vệ chúng, đến việc làm cấp thiết nhất mà mỗi cá nhân có thể làm là không mua bán, tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã như thịt, da, sừng, móng, hay các loại dược phẩm từ động vật hoang dã.
Ngoài ra, mọi người có thể hỗ trợ công tác bảo vệ động vật hoang dã bằng nhiều cách khác nhau: tài trợ, quyên góp và tham gia các hoạt động tình nguyện.
Tạm kết
Bảo vệ động vật hoang dã là một nhiệm vụ quan trọng của tất cả chúng ta, từ các tổ chức bảo tồn đến từng cá nhân trong xã hội. Mỗi hành động dù nhỏ, đều có thể góp phần giảm thiểu mối đe dọa đối với động vật hoang dã. Kết hợp sức mạnh của cả cộng đồng, chúng ta có thể tạo ra “tương lai mới” cho động vật hoang dã cũng như trái đất này.
