Nguồn ảnh: Science
Cưa sừng tê giác: tàn nhẫn hay cần thiết?
Sự thật đằng sau biện pháp được cho là “tàn nhẫn”
Khi nạn săn trộm sừng tê giác lên đến mức khủng hoảng vào năm 2014 và các nỗ lực bảo vệ trước đó đều thất bại, một khu bảo tồn tại Châu Phi thực hiện cưa sừng tê giác thường xuyên với mong muốn hạn chế nạn săn trộm trái phép. Tê giác thường bị giết để lấy sừng vì được cho rằng có tác dụng chữa bệnh và là món đồ thể hiện sự giàu sang.
Sừng tê giác được cấu tạo từ chất sừng, giống như móng tay, nên phần lớn có thể cắt bỏ mà không gây chảy máu hay đau đớn. Tuy nhiên, những rủi ro đối với tê giác và người thực hiện mới chính là điều khiến hoạt động này gây tranh cãi.
Tác động của việc cưa sừng
Đây là một công việc phức tạp và chứa nhiều rủi ro về sức khỏe tê giác và chi phí thực hiện. Cưa sừng cần gây tê và giống như bất kỳ biện pháp phẫu thuật nào khác. Tê giác có thể sẽ gặp rủi ro trong quá trình phẫu thuật. Để tránh trường hợp tê giác dễ hoảng loạn, tự làm thương mình, các bác sĩ cần kiếm không gian rộng, đủ an toàn, không gần vực; tiêm thuốc an thần từ trực thăng, bịt mắt và tai. Khi sừng mọc lại, các nhà quản lý thường phải lặp lại quy trình mỗi 18 đến 24 tháng. Mọi nỗ lực đều được thực hiện để giảm thiểu rủi ro nhưng vẫn có những biến chứng dẫn đến tử vong. Tê giác rơi vào trạng thái hôn mê càng thường xuyên thì nguy cơ này càng lớn.
Ngoài ra, việc cưa sừng cũng rất tốn kém. Nó bao gồm nỗ lực tìm kiếm tê giác và các chi phí liên quan đến quá trình hôn mê, đặc biệt khi cần cưa sừng thường xuyên. Chi phí thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng theo ước tính được công bố hiện nay, việc cưa sừng dao động từ 620 USD (Vườn Quốc gia Kruger – Mỹ) đến 1.000 USD (đất tư nhân) cho mỗi con. Người ta ước tính rằng sẽ tốn khoảng 5,8 – 8,8 triệu đô la Mỹ (tương đương 140 – 210 tỷ đồng) cho một lần cắt sừng tất cả tê giác ở Vườn Quốc gia Kruger. Trên thực tế, không bao giờ có thể hy vọng cắt sừng được 100% quần thể được. Một số con sẽ trốn thoát thành công và tất nhiên, không ai dám cưa sừng các bà mẹ tê giác đang mang thai.

Về lâu dài, tê giác có khả năng thay đổi tập tính sau khi bị cưa sừng. Chúng sẽ trở nên nhạy cảm, mất vị thế, dễ tổn thương hơn, dẫn tới giảm năng lực kiếm ăn (đào nước, bẻ cảnh), khó bảo vệ lãnh thổ thu hẹp, giảm khả năng tự vệ trước kẻ săn mồi và bảo vệ con non. Ngoài ra, còn có thể làm giảm khả năng sinh sản ngoài tự nhiên của tê giác.
Tuy nhiên một nghiên cứu năm 2022 về tác động của việc cưa sừng tê giác đen ở Namibia đã phát hiện ra rằng, việc cắt sừng không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến cuộc sống của quần thể này. Nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy quần thể tê giác bị cắt sừng có bất kỳ sự khác biệt nào về độ tuổi sinh sản lần đầu, khoảng cách giữa các lần sinh con, tỷ lệ giới tính khi sinh, tỷ lệ sống sót của tê con, nguyên nhân tử vong hay tuổi thọ. Hơn nữa, việc cưa sừng còn được chứng minh là khiến tỷ lệ tê giác tử vong do đánh nhau trong quần thể giảm đáng kể ở Zimbabwe. Bên cạnh đó, việc cắt sừng có thể làm giảm giá trị của tê giác, dù cho đó là mục đích du lịch chụp ảnh, săn bắn hay để bán trực tiếp.
Tê giác không sừng giúp ích gì cho kẻ săn trộm sừng?
Từ năm 1995 đến năm 2014, nạn săn trộm giảm bớt, chính phủ Namibia đã cho dừng cưa sừng tê giác lại. Sau lúc đó nạn săn trộm tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia vẫn có tình trạng tái diễn, thậm chí ngày càng trầm trọng.
Việc cắt sừng thực tế không thể đảm bảo 100% cứu tê giác khỏi nạn săn bắt trái phép. Bằng chứng là vào tháng 12 năm 2022, một cá thể tê giác trắng đã cưa sừng tại khu bảo tồn này đã bị săn trộm.

Cưa sừng chỉ loại bỏ được 90-93% sừng, vì họ phải để lại một phần cuống sừng. Nếu cắt quá gần sẽ có nguy cơ làm hỏng lớp sừng dẫn đến tình trạng sừng mọc lại bị biến dạng. Bên cạnh đó các tay buôn vẫn thu mua cuống sừng, tức là những kẻ trộm vẫn kiếm được tiền từ việc bán cuống sừng tê giác. Điều này thôi thúc các tay săn trộm sẵn sàng đối đầu với các kiểm lâm viên để thu về lợi nhuận, dù chỉ nhận về một chút doanh thu.
Tạm kết
Cưa sừng có là biện pháp hiệu quả về lâu dài hay tạm thời để bảo vệ loài động vật này?
Điều này cần thêm thời gian để chứng minh. Cách tốt nhất để bảo vệ tê giác là mỗi cá nhân chúng ta cần ý thức rằng chúng ta không có quyền tước đi quyền được tự do trong môi trường hoang dã của chúng.
Tài liệu tham khảo:
- Science, Cutting off rhino horns to prevent poaching makes them homebodies, https://www.science.org/content/article/cutting-rhino-horns-prevent-poaching-makes-them-homebodies
- Save the Rhino, Dehorning, https://www.savetherhino.org/thorny-issues/de-horning/
Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã trái phép, các bạn đang góp sức chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và cứu lấy các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tham gia hành động cùng chúng tôi ngay lúc này!
