Ký sự đi thực địa: Từ những bước chân không mỏi đến trải nghiệm cuộc sống vùng đệm

Khảo sát xã hội là một phần quan trọng trong nhiều chương trình bảo tồn ĐVHD, nhằm thu thập thông tin thực địa, để từ đó xây dựng các chương trình bảo tồn hiệu quả. Một phần không thể thiếu của những khảo sát này là sự hỗ trợ của các bạn cộng tác viên trẻ nhiệt huyết, năng động với sự yêu mến và trân trọng thiên nhiên. 

Trong thời gian tham gia khảo sát tại cộng đồng người dân thuộc vùng đệm của ba Vườn Quốc gia (VQG) lớn Cát Tiên, U Minh Thượng và U Minh Hạ, các cộng tác viên (CTV) không chỉ đạt được những mục tiêu nghiên cứu mà còn có cơ hội được trải nghiệm và hiểu thêm cuộc sống cộng đồng địa phương. Suốt 20 ngày trong tháng 3 vừa qua, với tinh thần nồng nhiệt, tấm lòng trân trọng thiên nhiên, đội ngũ trẻ năng động đã ghi lại những khoảnh khắc ngọt ngào của chuyến đi thực địa.

Nhóm đã có cơ hội đặc biệt – đi khảo sát nhu cầu sử dụng động vật hoang dã của cộng đồng tại các xã vùng đệm xung quanh VQG Cát Tiên, thuộc ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Đây là hoạt động thuộc chiến dịch của Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam.

Những bàn chân không mỏi của các bạn rong ruổi khắp mọi cung đường.

Từ những cung trải nhựa bằng phẳng, khi lại quanh co khúc khuỷu, đến những cung đầy đất, đá và gió, băng xuyên qua những cánh rừng dưới tiết trời trong xanh, không một gợn mây và nắng “nhẹ” đến lạ kỳ. Thậm chí, có những ngày nhiệt độ lên đến 37 độ C, có những lần ngã xe, hết xăng dọc đường, nhưng với lòng quyết tâm kiên trì của mình, đôi chân các bạn vẫn tiến về phía trước. Các bạn vẫn len lỏi khắp từng đường làng ngõ xóm, đến những nơi xa xôi nhất để gặp từng người dân.

Không chỉ đơn thuần là thu thập được dữ liệu cần có cho nghiên cứu, các CTV còn nhận được nhiều tình cảm yêu thương từ cộng đồng địa phương. Những nụ cười, cái ôm, sự nhiệt thành và lòng hiếu khách của người dân bản địa chính là nguồn động viên lớn, là niềm hạnh phúc và cũng là “hành trang” quý báu nhất mà nhóm mang theo sau khi kết thúc hành trình khảo sát.

Trong quá trình khảo sát, CTV quan sát thấy, tuy rằng cuộc sống hiện nay của người dân không còn gắn bó hoàn toàn với rừng, không dựa hoàn toàn vào các sản phẩm từ rừng để duy trì cuộc sống, đời sống của cư dân vùng đệm vẫn còn nhiều khó khăn.

Người dân vùng đệm hiện đang sống chủ yếu bằng nghề nông, gắn liền với ruộng đồng như trồng lúa, rẫy điều. Chính vì vậy, đời sống họ vẫn còn bấp bênh. Mặc dù có việc trồng đa dạng thêm các loại cây như sầu riêng, xoài, tiêu, cà phê ở một số vùng, vấn đề kỹ thuật và hiệu suất thiếu thốn vẫn luôn là thách thức lớn của cộng đồng nơi đây.

Tại vùng đệm VQG Cát Tiên, bên cạnh nông nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số còn có các hoạt động kinh tế khác như dệt may, đan lát nhưng cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng không phát triển mạnh, nhiều vùng vẫn thiếu điện, nước sạch và các tiện ích khác.

Tạm kết

Là những người sinh sống trực tiếp tại khu vực thiên nhiên, cộng đồng dân cư tại vùng đệm và vùng lõi các VQG luôn là đối tượng được quan tâm hàng đầu của các đơn vị, tổ chức bảo tồn. Việc chia sẻ kiến thức, tác động tới nhận thức cộng đồng về hoạt động bảo vệ và duy trì thiên nhiên và các loài động vật hoang dã là việc quan trọng để đảm bảo sự bền vững của các VQG. Những chuyến đi thực địa những ngày qua cũng đã đóng góp phần nào vào hoạt động lan tỏa này.

Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã, các bạn đang góp sức chấm dứt việc sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên tại Việt Nam. Hãy tham gia cùng chúng tôi để góp phần chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và cứu lấy các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *