Dù là “chúa tể sơn lâm” nhưng những cá thể hổ vẫn không thoát khỏi cảnh bị con người săn bắt, giam cầm trong những chiếc chuồng chật chội và bị biến thành cao hổ cốt. Nuôi nhốt tại các trang trại bất hợp pháp không chỉ cướp đi tự do của hổ, giết chết bản năng hoang dã của chúng, mà còn làm loài biến mất khỏi tự nhiên, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong hệ cân bằng sinh thái.
1. Thực trạng nuôi nhốt hổ trong các trang trại tư nhân và khu du lịch “giả”
Bạn có biết, số lượng hổ hoang dã ngoài tự nhiên có gần 4000 con, nhưng hổ sống trong điều kiện nuôi nhốt lại gấp đôi, khoảng 7000 – 8000 con, chủ yếu tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam (Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên – WWF).
Tại Lào, từ trang trại nuôi nhốt, họ ngụy trang là vườn thú, xem hổ như vật nuôi để thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Một số nơi còn cho khách tham quan rồi tiện đường giới thiệu, buôn bán tại trận các sản phẩm của mình, như để chứng tỏ sản phẩm của mình là thật, làm yên lòng “thượng đế”. Cứ như vậy, đường dây thương mại trái phép các sản phẩm cao hổ cốt, hổ ngâm rượu, nanh hổ, trang sức… tiếp tục duy trì.
Thấy người lạ dạo quanh, những cá thể hổ này (có con đang nằm, con đang ngồi, có con đang giãy giụa) đều bật dậy la hét. Thậm chí, có con “phóng” thẳng đôi mắt về phía chúng tôi rồi liên tiếp đâm thẳng đầu vào hàng rào lưới gầm gào như tiếng kêu cứu, khẩn cầu cho một cuộc giải cứu khỏi những chuồng sắt giam nhốt này.
Sau khi tham quan, chúng tôi di chuyển về phía chốt bảo vệ gặp một người đàn ông tự giới thiệu là quản lý ở trại hổ. Qua một vài câu chuyện xã giao, gã cho biết ở trại này, người Việt tới tham quan thường mua hổ rồi bán lại cho người Trung Quốc. Giá mỗi con hổ vào khoảng 100.000 USD (trên dưới 2 tỷ đồng).

Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ lời muốn mua hổ có bán không, giá cả thế nào? Gã quản lý trại hổ chỉ cười và nói phải “làm hợp đồng mới đi hàng (bán).” Cũng theo người này, một phần cá thể hổ ở trại được lấy từ Vườn thú
Vào những năm 2015-2017 trở về trước, hoạt động mua bán, nấu cao hổ trực tiếp tại Lào diễn ra như cơm bữa. Đáng chú ý, “đội quân” nấu cao hổ chủ yếu là một số dân Việt Nam sang, tập trung ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An.
Sau này, khi nhiều động vật quý hiếm của Lào đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, Cục Kiểm lâm Trung ương Lào đã siết chặt quản lý và nhờ đó, tình trạng nấu cao hổ công khai đã bị ngăn chặn. Phần lớn các trại hổ nuôi với mục đích thương mại, nấu cao đã dần chuyển sang mô hình vườn thú, trang trại gây nuôi bảo tồn và mở cửa để phục vụ nhu cầu thăm quan của khách du lịch cũng như có kinh phí phục vụ cho công tác chăm sóc, bảo tồn.
Với mô hình bảo tồn trên, các hoạt động giết hại hổ để nấu cao công khai ngay tại các khu trại hay vườn thú đã không còn xảy ra, nhưng ở hình thức ngầm thì vẫn tương đối ‘nhộn nhịp’ theo quy mô khép kín từ thoả thuận ban đầu đến ký hợp đồng, giết hổ và nấu cao,…
Theo phóng sự điều tra của báo Vietnamplus.
Tại Việt Nam, các trang trại nuôi nhốt hổ trái phép thưởng nằm trong hầm để lẩn tránh sự chú ý của cơ quan nhà nước. Như trường hợp ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), cơ quan chức năng đã bắt giữ 17 con hổ trong điều kiện chuồng trại tăm tối, ăn uống không đủ dinh dưỡng khiến chúng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần.
Những trang trại hổ “mọc lên như nấm” với mục đích biến chúng thành hàng hóa để con người buôn bán, kiếm lợi nhuận đã gây ra mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng cho tự nhiên.
2. Cá thể hổ khi bị nuôi nhốt trong chuồng trại nhỏ hẹp sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Môi trường sống của hổ phải là các cánh rừng rậm rạp hoặc có các đồng cỏ lớn, để chúng tự do săn mồi, lẩn tránh kẻ thù và trú ngụ. Hổ cũng cần môi trường cho hành vi leo trèo và bơi lội.
Nhưng khi đã bị bắt giữ, hộ bị giam cầm trong các chuồng sắt chật chội, không đủ không gian và môi trường sống cho sự phát triển. Lúc này, hổ sẽ có những triệu chứng như: căng thẳng, giảm hoạt động và thậm chí là trầm cảm. Sức khỏe suy giảm trầm trọng do chế độ ăn uống không phù hợp và thiếu vận động. Hơn nữa, sự thiếu vắng môi trường tự nhiên làm giảm bản năng hoang dã, khiến chúng không còn khả năng sinh tồn nếu được thả về tự nhiên.
Tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của loài hổ mà còn gây tổn hại đến sự di truyền của giống loài.
3. Tại trại nuôi nhốt, hổ bị nấu thành cao hổ vô cùng man rợ và tàn ác
Cao hổ cốt được làm từ các bộ phận của hổ, thường thông qua quy trình rất tàn nhẫn, mất vệ sinh và bất hợp pháp. Sau khi bị nuôi nhốt trong môi trường “vô nhân đạo” với lồng chật hẹp, thiếu ánh sáng thì hổ sẽ bị khai thác để lấy các bộ phận như xương, da, và nội tạng, đặc biệt xương hổ được dùng để làm cao.
Xương sẽ được nấu chảy, lọc và làm khô để tạo thành cao hổ và quá trình này thường không tuân theo tiêu chuẩn vệ sinh. Sau đó, cao hổ cốt được bán như một loại thuốc “chữa bách bệnh” mặc dù không có bằng chứng khoa học nào chứng minh hiệu quả.
Thật và giả
Với mắt thường, ta rất khó phân biệt đâu là cao hổ thật và đâu là cao hổ giả. Dân gian có một số cách thử như: nếu là cao hổ thật thì ngọn cỏ tươi cắm trên mặt cao phải héo úa, chó ngửi thấy phải bỏ chạy hoặc cho chó tiếp xúc với bộ xương hổ chó sẽ rên hư hử và rúm ró toàn thân, người uống cao sẽ cảm thấy một luồng khí nóng chạy khắp cơ thể. Tuy nhiên những cách thử này xem ra cũng thiếu căn cứ khoa học.
Nấu cao hổ cốt tốt nhất phải có 5 bộ xương hổ và cứ 1kg xương đã chế biến theo đúng quy chuẩn sẽ nấu được hơn 200g cao. Để cho cao hổ thêm mạnh và “dẫn” nhanh người ta thường pha thêm xương sơn dương với tỷ lệ 5 hổ 1 sơn dương. Cũng vì vậy mà có câu “phi sơn dương bất thành hổ cốt”. Bộ xương hổ để nấu cao, tốt nhất là phải nặng trên 10kg, nếu được từ 15kg trở lên thì tuyệt vời và đặc biệt là phải đầy đủ, không được thiếu mảnh xương nào và cũng không được lẫn các loại xương khác, trong đó không thể thiếu xương chân trước và xương bánh chè.
Số lượng hổ hiện tại còn rất ít, thử hỏi các cơ sở nấu cao hổ lấy đâu ra nhiều hổ như vậy để sản xuất thành cao? Có nhiều nơi, sử dụng xương các loài động vật khác để chế biến (trâu, bò, lợn, gà), hay trộn xương hổ thật với những thành phần khác (tỉ lệ xương hổ là bao nhiêu thì không rõ). Có nơi còn dùng xương của những loài chó lớn, có kết cấu na ná hổ để mông má thêm, cải trang thành xương hổ. tại Thái Lan cũng đã xuất hiện công nghệ “cải chó thành hùm” nhằm đáp ứng phong trào nấu cao hổ rởm ở Việt Nam.
Hiệu quả tới đâu?
Hiệu quả của cao hổ tới đâu, khoa học chưa kiểm chứng. Các cơ sở nấu cao có bài trộn một số thuốc Tây vào cao xương hổ để tạo ra cảm giác “hiệu nghiệm” tức thì nhằm tạo niềm tin cho khách hàng và khiến họ sẵn lòng bỏ tiền ra mua. Ví như, các thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau mạnh được trộn vào cao hổ để lừa những người đang bị hành hạ bởi chứng đau khớp.
Tạm kết
Hổ là loài động vật săn mồi quan trọng. Chúng không chỉ kiểm soát lượng quần thể các loài động vật khác, mà còn giúp duy trì sự đa dạng sinh học và sự cân bằng của hệ sinh thái. Trong khi đó, con người đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sống của loài hổ: khai thác rừng, làm mất nơi sinh sống, săn bắt; săn bắt và nuôi nhốt hổ trong điều kiện thiếu ánh sáng, chật hẹp cũng làm suy giảm bản năng hoang dã của chúng, khiến việc tái thả trở nên khó khăn hơn.
Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống, Vietnamplus, Tuổi trẻ.
