MỘT SỐ LOÀI ĐVHD QUÝ HIẾM ĐƯỢC PHÁT HIỆN TẠI VIỆT NAM

Việt Nam được các tổ chức quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học bậc nhất trên toàn thế giới, với nhiều kiểu rừng, đầm lầy hay sông suối,… Cũng chính những điều này đã tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên toàn thế giới. Và có không ít các loài động vật quý hiếm đã được phát hiện tại Việt Nam, mời các bạn cùng xem chi tiết ngay dưới đây nhé!

  1. Cheo cheo lưng bạc (Tên khoa học: Tragulus versicolor)

Cheo cheo lưng bạc hay còn gọi cheo cheo Việt Nam (có tên khoa học là Tragulus versicolor) là một loài động vật guốc chẵn trong họ cheo cheo. Chúng có ngoại hình giống hươu nhưng không có tuyến lệ và có kích thước như một chú thỏ với chiều dài xấp xỉ 50cm, cân nặng bé hơn 4.5kg. Toàn thân loài vật phủ lông màu nâu đỏ mịn và mượt, trong khi vùng ngực và dưới bụng có 3 vệt lông trắng song song với thân. Con đực và con cái đều không có sừng và cũng vì đặc điểm này nên cheo cheo đực sử dụng răng nanh dài để tranh giành lãnh thổ hoặc thu hút bạn tình.

Cheo cheo lưng bạc là loài thú móng guốc đặc hữu duy nhất của Việt Nam và là một trong 25 loài động vật mà tổ chức Global Wildlife Conservation xem là đã biến mất và cần được tìm lại cho thế giới. Loài này lần đầu tiên được biết đến và mô tả bởi các nhà khoa học vào năm 1910, khi 4 mẫu vật được thu thập quanh Nha Trang. Năm 1990, các nhà khoa học thu được xác của một con cheo cheo lưng bạc từ một thợ săn ở miền Trung Việt Nam. Sau đó, không ai còn thấy chúng nữa. Và sau 30 năm, vào 2019, cheo cheo lưng bạc lần đầu tiên được phát hiện trong môi trường hoang dã ở Việt Nam.

  1. Cá nược Minh Hải (cá heo nước ngọt Irrawaddy và có tên khoa học Orcaella brevirostris)

Cá nược (Orcaella brevirostris) là một loài động vật có vú thuộc họ Cá heo biển Delphinidae, sống ven bờ biển và cửa sông trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên loài này có mặt ở Việt Nam và được định danh là cá nược hoặc cá nược Minh Hải. Khi mới sinh ra, cá nược có chiều dài cơ thể khoảng 1m, cân nặng khoảng 10kg. Khi trưởng thành nó đạt tới 2,3m và nặng trên 130kg. Loài cá này có tuổi thọ khoảng 30 năm. 

Cá nược Minh Hải đã được cho là tuyệt chủng ở Việt Nam, tuy nhiên vào năm 2019, một cá thể được phát hiện tại Bến Tre. Tuy nhiên, loài động vật này vẫn thuộc danh sách những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao từ năm 2004. Và theo Công ước CITES, cá nược không được phép mua bán, trao đổi dưới bất kỳ hình thức nào. Cho nên bất kỳ ai, đặc biệt là ngư dân trong khi đánh bắt nếu phát hiện được cá Nược, phải báo ngay với chính quyền địa phương.

  1. Voọc mông trắng (tên khoa học: Trachypithecus delacouri)

Voọc mông trắng có tên gọi khoa học là Trachypithecus delacouri, được đặt tên theo nhà điểu học người Mỹ gốc Pháp Jean Théodore Delacour. Đây là một loài linh trưởng cỡ lớn, thuộc họ khỉ (Cercopithecidae), bộ Linh trưởng (Primates) được xác định là loài đặc hữu của Việt Nam, không có ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất, có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và thế giới, xếp hạng CR-rất nguy cấp (Critically Endangered). Trọng lượng cơ thể của voọc trưởng thành từ 8,1 – 9 kg; chiều dài đầu và thân 0,46 – 0,665 m. Trên đỉnh đầu có mào lông màu đen, có vệt lông trắng khá rộng hai bên má kéo dài lên phía trên vành tai. Chân có bộ lông màu đen. Vùng mông có lông màu trắng kéo dài tới tận gốc đuôi và đùi; chân tay dài. Đuôi dài hơn thân, lông đuôi màu đen. Thức ăn chủ yếu của chúng là chồi cây, lá và quả cây. 

Theo kết quả điều tra của Hội Bảo vệ Động vật Frankfurt (Đức), voọc mông trắng chỉ còn ở Việt Nam với hơn 200 cá thể, được phân bố tại 18 điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hoà Bình, Thanh Hoá, và mới đây được phát hiện thêm tại khu rừng đặc dụng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). 

  1. Loài mang (tên khoa học: Muntiacus rooseveltorum)

Loài mang có tên khoa học là Muntiacus rooseveltorum – là loại động vật thuộc họ huơu nai và được các nhà khoa học cho rằng đã tuyệt chủng từ năm 1929. 

Đặc điểm của loài Mang Hoẵng vó vàng có chiều dài thân 80-130cm, dài đuôi, mõm dài màu đen và kéo dài tới trán tạo thành đám lông màu đen hình tam giác, tuyến lệ lớn. Loài Mang Lào có chiều cao vai khoảng 40 cm. Con đực có đế sừng ngắn (cao khoảng 4 cm), gạc nhỏ không phân nhánh, chiều dài gạc khoảng 2cm. Con cái có răng nanh trên phát triển thò ra ngoài môi. Bộ lông màu nâu sẫm đến đen, búi lông trước trán màu nâu cam, mặt và cổ họng màu son, đặc điểm nổi bật của loài Mang Lào là phần lông ở dưới cằm rất phát triển trở nên dài, dày và cứng hơn so với các loài Mang khác.

  1. Chuột đá (tên khoa học: Laonastes aenigmamus)

Loài chuột đá có tên khoa học là Laonastes aenigmamus được khẳng định đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm được phát hiện vẫn đang sống trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình của Việt Nam vào năm 2011. Điều thú vị là loài chuột đá này được xem là một hiện tượng “hiệu ứng hồi sinh” của họ Diatomyidae. Hiệu ứng hồi sinh là một hiện tượng liên quan đến các phát hiện hóa thạch sinh vật, nói về sự tái xuất hiện của một bậc phân loại sau một thời gian dài hàng triệu năm không có ghi nhận và được xem là đã bị tuyệt chủng. Việc phát hiện ra loài chuột đá đại diện sống của họ Diatomyidae được cho là tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm là một ví dụ điển hình về hiệu ứng hồi sinh rất hiếm gặp ở các loài thú.

Cá thể chuột đá trưởng thành có chiều dài (tính cả đuôi) là 26cm và cân nặng chỉ xấp xỉ 400g. Loài chuột này có mình như chuột, đuôi như đuôi sóc và lông đen mịn. Ngoài ra, chuột đá hoạt động về đêm và thức ăn chủ yếu là thực vật. Đây cũng là loài chuột đặc biệt khác lạ so với loài chuột thông thường vì chỉ mang thai một con duy nhất.

  1. Sao la (tên khoa học: Pseudoryx nghetinhensis)

Sao la, được mệnh danh là “Kỳ lân châu Á”, là một trong những loài thú lớn đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Cho đến nay chưa có nhà sinh vật học nào từng nhìn thấy Sao la ngoài tự nhiên, và những hình ảnh hoang dã hiếm hoi của loài này có được là nhờ vào hệ thống bẫy ảnh do các nhà bảo tồn thiết lập trong các khu rừng tại Lào và Việt Nam. Sao la được xếp hạng ở mức Cực kỳ Nguy cấp trong Sách đỏ của IUCN – là mức cuối cùng trước mức tuyệt chủng. 

Loài sao la được Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 thông qua các dấu tích còn sót lại tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Sau đó vào năm 1998, hình ảnh đầu tiên của loài Sao la trong tự nhiên được ghi lại bằng bẫy ảnh tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Cá thể Sao la trưởng thành có chiều dài từ 1,3 – 1,5m và cân nặng từ 50 – 100kg.

Tạm kết

Hãy kiên quyết nói KHÔNG với việc sử dụng các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và có những hành động thiết thực nhất để trao trả lại một cuộc sống bình yên cho các loài động vật này bạn nhé!

Nguồn tham khảo: Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Toàn cầu (GWC), Báo Tuổi trẻ, Báo Mới, Báo Thanh niên, Báo Quân đội nhân dân, Báo Bảo vệ pháp luật

Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã trái phép, các bạn đang góp sức chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và cứu lấy các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tham gia hành động cùng chúng tôi ngay lúc này!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *