Với những quan niệm “đeo vòng ngà voi có chức năng giải độc trong cơ thể, xua đuổi tà ma” hay “vòng ngà voi có uy quyền mang lại sự bình an và sự phát triển”, những trang sức từ ngà voi như vòng tay, vòng cổ, nhẫn, mặt dây chuyền… đang được săn lùng ráo riết trên thị trường. Nhưng, liệu sự thật Ngà Voi có giá trị như chúng ta tưởng hay không? Cùng đọc ngay bài viết dưới đây nhé!
1. Sự thật về Ngà Voi và sức mạnh chữa bách bệnh mà chúng ta luôn lầm tưởng
TS Phạm Trọng Ảnh, nguyên cán bộ Phòng Động vật có xương sống (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho biết: “Ngà voi không có tác dụng gì đối với sức khỏe. Đeo vòng ngà voi tránh gió, phòng nhiễm độc… mới chỉ là những quan niệm dân gian truyền miệng, chưa có nghiên cứu khoa học nào về tác dụng của nó”.
“Xét về cấu tạo cơ học thì ngà voi thực chất chỉ là một chiếc răng. Nó không có tác dụng gì, sử dụng ngà voi với mong muốn chữa bệnh hoặc phòng bệnh là một quan niệm rất phi khoa học. Thậm chí, trong ngà voi có nhiều thành phần phức tạp khiến người dùng có nguy cơ bị dị ứng và nhiễm độc”.
2. Buôn bán, săn bắt, vận chuyển và sử dụng Ngà Voi sẽ bị xử lý ra sao?
Do hổ, voi, tê giác là các loài thuộc nhóm IB – Phụ lục I – Danh mục thực vật rừng, động vật rừng thuộc danh sách nguy cấp, quý, hiếm được kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ, nên việc săn bắt nuôi nhốt chúng sẽ bị pháp luật nghiêm cấm và xử lý trách nhiệm hình sự.
Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép Voi, Ngà Voi sẽ phạt tù từ 01 năm đến 05 năm tùy thuộc vào mức độ vi phạm và tình tiết cụ thể của vụ án. Ngoài hình phạt tù, các cá nhân hoặc tổ chức buôn bán ngà voi cũng sẽ bị áp đặt mức phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng.
3. Phải làm gì để bảo vệ động vật hoang dã và ngăn chặn vấn nạn săn bắt Voi, lấy Ngà Voi?
Một giải pháp đơn giản và đem lại hiệu quả bền vững nhất, tới từ chính mỗi người dân chúng ta. Chúng ta cần: Không sử dụng, không mua bán, không tiếp tay cho các đối tượng buôn buôn lậu động vật, sản phẩm động vật hoang dã. Vì khi không còn người mua, sẽ không còn kẻ bán. Động vật được sống yên bình ở chính nơi chúng thuộc về đó là tự nhiên. Thay vào đó, có thể sử dụng các sản phẩm thay thế bền vững, không gây hại đến động vật hoang dã như: Sừng nhân tạo, ngà nhân tạo…
Chúng ta cũng có thể cùng nhau lan tỏa thông điệp để chấm dứt vấn nạn sử dụng ĐVHD trái phép bằng cách: thông báo, phản ánh các vi phạm của các cá nhân, đơn vị kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ từ ĐVHD, ủng hộ và truyền thông cho các chiến dịch bảo vệ ĐVHD, và những thông tin về tác hại của việc sử dụng ngà voi đối với loài voi và môi trường.
Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác điều tra, triệt phá các đường dây và đối tượng cầm đầu các đường dây đang vận chuyển trái phép hàng tấn động vật, sản phẩm động vật hoang dã về Việt Nam.
Chú voi Bun Khăm đang uống nước tại Vườn quốc gia Yok Don. Ảnh: Vườn quốc gia Yok Don
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường công tác điều tra, triệt phá các đường dây và đối tượng cầm đầu các đường dây đang vận chuyển trái phép hàng tấn động vật, sản phẩm động vật hoang dã về Việt Nam. Thường xuyên, liên tục kiểm tra các cơ sở buôn bán buôn bán trái phép ngà voi và các sản phẩm chế tác từ voi. Xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, cần tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tạm kết:
Hiện nay, chưa có bất kỳ một thông tin khoa học nào kiểm chứng về tác dụng của Ngà Voi đối với người sử dụng. Tất cả chỉ là đồn thổi không căn cứ. Vì thế, hãy là người tiêu dùng thông thái, không mua, không sử dụng động vật hoang dã nói chung và Ngà Voi nói riêng để tránh tình trạng mất tiền oan cũng như tiếp tay cho những kẻ xấu!

Nguồn tham khảo: Tiền Phong, Thư viện pháp luật, Vietnamplus