Các hành vi săn bắt, tiêu thụ và làm hại các loài động vật hoang dã từ trước đến nay vẫn là một vấn đề nhức nhối, không chỉ gây nguy hiểm đến các loài động vật quý hiếm mà còn cho chính những đối tượng có các hành vi độc ác trên. Và những hành vi, hậu quả đó đều được thể hiện qua những con số chân thực đến đau lòng.
4.000 LẦN: TỐC ĐỘ TUYỆT CHỦNG CỦA CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TĂNG NHANH CHÓNG MẶT
Ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật hoang dã Nguy cấp, WWF Việt Nam, cho biết: theo nghiên cứu, tác động của con người (thông qua các hành vi săn bắt, giết hại, buôn bán,… ) đã đẩy tốc độ tuyệt chủng của các loài hoang dã trên thế giới hiện nay nhanh gấp khoảng 4.000 lần so với thời kỳ đại tuyệt chủng của các loài khủng long. “Vì vậy, nếu không có các hành động khẩn cấp, thì trong vòng khoảng 3 thập kỷ tới, thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc đại tuyệt chủng các loài hoang dã lần thứ 6”.
11.000 CÁ THỂ ĐVHD BỊ RAO BÁN
Theo Trung tâm CCD, trên Internet có 1097 vụ rao bán, với khoảng hơn 11.000 cá thể động vật hoang dã (dựa trên kết quả nghiên cứu sơ bộ về rà soát buôn bán, săn bắt động vật hoang dã ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2021, do Dự án VfD thực hiện). Bên cạnh đó, động vật hoang dã đang bị buôn bán trái phép tại Việt Nam không chỉ có nguồn gốc trong nước mà còn nhập lậu từ nước ngoài và Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển của các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, vảy tê tê và sừng tê giác từ châu Phi, phần lớn bán sang Trung Quốc.
335 LOẠI BỆNH MỚI – HÀNG LOẠT TÁC NHÂN GÂY BỆNH CHO CON NGƯỜI CÓ NGUỒN GỐC TỪ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ
Theo Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), trong vòng 60 năm qua, đã có 335 loại bệnh mới nổi xuất hiện trên người. Đặc biệt, trong đó có đến 144 tác nhân gây bệnh (chiếm đến 43%) có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đặc biệt từ các loài linh trưởng, thú ăn thịt (cầy, cáo), dơi, chim hoang dã, tê tê,… Bất chấp những hậu quả mà đại dịch COVID – 19 để lại và việc phát hiện các loại coronavirus đã biết ở động vật hoang dã nuôi nhốt tại Việt Nam, hoạt động gây nuôi các loài động vật quý hiếm này vẫn diễn ra rất phổ biến mà không hề có bất cứ tiêu chuẩn kỹ thuật hay quy trình theo dõi sức khoẻ cụ thể nào. Đồng thời, nạn săn trộm và tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD với nguy cơ lây lan dịch bệnh cao vẫn tiếp tục trên khắp đất nước.
400 VỤ ÁN – LIÊN QUAN ĐẾN VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021, các cơ quan chức năng đã xét xử gần 400 vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và truy tố hình sự hơn 500 bị cáo. Những con số này có thể tăng cao trong tương lai nếu chúng ta không cùng nhau tác động.
Theo ông Vương Tiến Mạnh, Phó giám đốc CITES Việt Nam, khó khăn đối với công tác phòng chống những vi phạm về bảo vệ ĐVHD hiện nay đó là lợi nhuận của việc buôn bán động vật hoang dã quá cao, trong khi cách tiếp cận và xử lý vấn nạn này giữa các cơ quan quản lý, thực thi, các tổ chức và các thể chế là khác nhau và không toàn diện. Việt Nam lại nằm trong tuyến đường vận chuyển, trung chuyển động, thực vật hoang dã quốc tế nên xuất hiện hoạt động của các tổ chức tội phạm liên biên giới.
(Nguồn ảnh: Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh).
HÀNG TRĂM KÊNH BUÔN BÁN TRÁI PHÉP ĐVHD HOẠT ĐỘNG SÔI NỔI TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Theo các chuyên gia, tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã trên mạng xã hội vẫn diễn ra sôi nổi, trong đó phổ biến nhất là trên Youtube và Facebook. Việc thiếu sự quản lý, giám sát trên các mạng xã hội đã làm gia tăng tình trạng săn bắt, giết hại nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà nghiên cứu thống kê được: Facebook có đến 96 trang và 200 nhóm cập nhật thường xuyên các hoạt động nuôi nhốt và buôn bán rùa và phụ kiện (tính tới năm 2021), trên Youtube thống kê được 230 kênh quảng bá thú chơi rùa cảnh và hoạt động buôn bán rùa (trong năm 2021).
TẠM KẾT
Những con số mà chúng tôi đã đề cập ở trên chỉ là một phần nhỏ trong hàng loạt sự thật đáng buồn về sự tàn ác mà con người gây ra đối với các loài động vật hoang dã. Hãy để các loài động vật quý hiếm này được sống một cuộc đời trọn vẹn ở nơi chúng thật sự thuộc về!
Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã trái phép, các bạn đang góp sức chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và cứu lấy các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tham gia hành động cùng chúng tôi ngay lúc này!

Nguồn tin:
Báo Lao Động, Báo Điện tử Chính phủ, Báo Tài nguyên và Môi trường.