Nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo tồn voi và tê tê

Là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng các nguồn tài nguyên đang dần suy giảm và biến mất, đặc biệt là các loài ĐVHD như voi và tê tê. Một trong những lý do chủ yếu cho sự suy giảm này là tác động tiêu cực từ việc tiêu thụ sản phẩm từ voi (ngà) và tê tê (vảy, thịt,…) cho mục đích cá nhân như chữa bệnh, cầu bình an, khoa trương hay trang trí.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị và tổ chức đang có những nỗ lực đáng ghi nhận để bảo tồn hai loài động vật đang nằm trong sách đỏ này. Cùng chúng tôi tìm hiểu ngay bây giờ nhé.

1. Bảo tồn voi tại tỉnh Đồng Nai

Trước thực trạng voi đang đối mặt với nguy cơ mất rừng mất sinh cảnh sống, các đơn vị và tổ chức đã có những hoạt động cụ thể để bảo vệ và phát triển quần thể voi tại Việt Nam, ví dụ như ở địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa là chương trình đang được Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và Tổ chức về bảo vệ động vật (Humane Society International – HIS) thí điểm tại tỉnh Đồng Nai – nơi sinh sống của đàn voi hoang dã lớn thứ hai trên cả nước.


Nguồn ảnh: Báo Nhân dân

Những nỗ lực bảo tồn voi đang diễn ra tại tỉnh Đồng Nai là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ và tạo ra môi trường sống cân bằng và hài hòa giữa người và voi tại Việt Nam. Tổ chức HSI đã ghi lại 16,000 bức ảnh về đàn voi rừng, từ đó, xây dựng một kho dữ liệu vô cùng chi tiết về từng cá thể voi. Thông qua đó, số lượng voi tại Đồng Nai được ước tính tăng lên 25-27 con, cao hơn so với các dữ liệu trước đó.

Quan trọng hơn, các hoạt động nghiên cứu từ chương trình cung cấp các nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ xung đột giữa voi và người. Các dữ liệu khoa học này hứa hẹn sẽ giúp tỉnh Đồng Nai có cách tiếp cận bảo tồn voi một cách khoa học, đồng thời là tín hiệu tốt để có thể áp dụng mở rộng sáng kiến ở tất cả các nơi có quần thể voi rất quan trọng đang sinh sống như: Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam. Việc này sẽ giúp xác định chính xác hơn số lượng cá thể voi trên toàn quốc – một cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý địa phương có kế hoạch bảo tồn và phát triển loài phù hợp nhất.


Nguồn ảnh: Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV

Ngoài ra, một trong những giải pháp cấp bách bảo vệ đàn voi được tỉnh Đắk Lắk triển khai là chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Theo đó, thay thế hoàn toàn hình thức du lịch cưỡi voi; đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ. 

Bên cạnh đó, nằm trong các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn loài voi, tổ chức Động vật châu Á đã phối hợp với Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và Vườn quốc gia Yok Đôn tổ chức triển lãm ảnh “Chân dung voi nhà Đắk Lắk”.

Theo Trang thông tin Sở tài nguyên môi trường tỉnh Tuyên Quang

2. Bảo tồn tê tê

Nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loại động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam, đặc biệt là loài tê tê, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương triển khai các hoạt động bảo tồn tê tê. Thông qua các hoạt động này, các cá thể tê tê giải cứu từ các vụ buôn bán ĐVHD được cứu chữa, phục hồi, nhân nuôi sinh sản và tái thả trở về tự nhiên.


Nguồn ảnh: Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam

Đa số các cá thể tê tê tiếp nhận về Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam đều trong tình trạng rất yếu. Sau 30 ngày kiểm dịch, trải qua quá trình chăm sóc sức khỏe và phục hồi thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng, các cá thể tê tê được tái thả về tự nhiên nếu đạt đủ các yêu cầu về sức khỏe.


Nguồn ảnh: Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam

Được thành lập từ năm 2014, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cứu hộ, nhân nuôi sinh sản, và nghiên cứu bảo tồn 2 loại tê tê tại Việt Nam là tê tê vàng và tê tê Java. Từ năm 2014 đến năm 2022, Trung tâm cứu hộ thành công hơn hơn 1,600 (theo số liệu của SVW) cá thể tê tê, trong đó 60% các cá thể này được tái thả về tự nhiên an toàn. Ngoài ra, các cá thể không đủ điều kiện tái thả sẽ được giữ lại ở trung tâm để chăm sóc và trở thành các đại sứ giáo dục. Các đại sứ này góp phần nâng cao nhân thức của cộng đồng về tầm quan trọng và các mối đe dọa mà tê tê đang gặp phải.
Bạn có thể theo dõi chiến dịch bảo tồn của Trung tâm tại đây: https://svw.vn/vi/te-te/

Theo Đài phát thanh và truyền hình Quảng Ngãi

Tạm kết

Bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay một tổ chức mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Cần hành động ngay bây giờ để bảo vệ những loài động vật quý hiếm và duy trì những hệ sinh thái mà mẹ thiên nhiên trao tặng.

Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã trái phép, các bạn đang góp sức chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và cứu lấy các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tham gia hành động cùng chúng tôi ngay lúc này!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *