Lầm tưởng về tác dụng chưa có căn cứ khoa học bởi các “bài thuốc cổ truyền từ động vật hoang dã”, các sản phẩm như mật gấu, cao hổ, sừng tê giác, vảy tê tê… vẫn bị sử dụng và mua bán bất hợp pháp tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, hệ lụy của việc săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã lại rất đáng báo động: Tiền mất tật mang, sản phẩm không có tác dụng chữa bệnh như quảng cáo, có nguy cơ nhiễm dịch bệnh… mà còn khiến nhiều loài bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng.
1.Động vật hoang dã có giá trị quan trọng đối với thiên nhiên và con người.
Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ sự đa dạng sinh học của Trái Đất. Vì sự biến mất của một số loài sẽ gây nên phản ứng dây chuyền, làm ảnh hưởng đến rất nhiều loài khác. Ngoài ra, động vật hoang dã còn mang lại lợi ích kinh tế lớn thông qua ngành du lịch sinh thái, giúp phát triển kinh tế bền vững.
Khoảnh khắc “Loài Chà vá chân nâu” được bắt gặp tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: PTL
Bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là việc làm cần thiết để bảo vệ môi trường, duy trì sự sống trên hành tinh mà còn mang lại lợi ích rất lớn cho con người từ nhiều phương diện khác nhau.
2. Tuy nhiên, động vật hoang dã đang đứng trước cuộc đại tuyệt chủng số 6
Động vật hoang dã đang đối mặt với nguy cơ đại tuyệt chủng lần thứ 6 hay còn được gọi là “đại khủng hoảng tuyệt chủng”. Nguyên nhân chính của sự tuyệt chủng này do sự phát triển nhanh chóng của con người.
Sự phá hủy môi trường sống tự nhiên của động vật hoang dã do khai thác gỗ, đô thị hóa và sự biến đổi khí hậu góp phần làm mất đi các nơi sống và nguồn thức ăn của động vật hoang dã. Đặc biệt hành động săn bắt, buôn bán trái phép và sử dụng các loài quý hiếm gây suy thoái nghiêm trọng đối với các loài động vật hoang dã.
Hậu quả của đại khủng hoảng tuyệt chủng là rất nghiêm trọng, thế hệ chúng ta bây giờ và các thế hệ tương lai sau này sẽ đánh mất sự đa dạng sinh học không thể phục hồi và điều này kéo theo nhiều hệ quả tiêu cực đến hệ sinh thái. Vì vậy, việc bảo vệ, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa săn bắt, sử dụng và buôn bán trái phép động vật hoang dã là rất cấp thiết.
3. Để bảo vệ động vật hoang dã, chúng ta có thể từ chối, phản đối các hình thức sử dụng
Nói không với việc sử dụng, tiêu thụ “đặc sản thú rừng”, sự săn bắt quá mức có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã và còn rủi ro nhiễm các bệnh truyền nhiễm.
Cầy vòi mốc – Loài động vật thường được các nhà hàng đặc sản ưa chuộng. Ảnh: Tùng Đinh.
Chấm dứt và ngăn chặn việc sử dụng các bộ phận của động vật hoang dã trong y học dân gian hoặc y học hiện đại mà không có cơ sở khoa học. Giáo dục và nâng cao nhận thức về sự tin tưởng sai lầm vào “Các bài thuốc dân gian từ động vật hoang dã”, song song đó tìm ra các dược liệu thay thế và phát triển các phương pháp y học mới.
Chấm dứt và ngăn chặn sử dụng lông, da, xương, và các bộ phận khác của động vật hoang dã để làm đồ trang sức, trang phục hay các sản phẩm trang trí. Khuyến khích sử dụng các vật liệu tổng hợp hoặc tái chế như nhựa tái chế, sừng nhân tạo, thủy tinh, gốm sứ, hay kim loại…
Sản phẩm được nghi ngờ chế tác từ ngà voi (Ảnh: EVN)
Ngưng ủng hộ và ngăn chặn các hoạt động giải trí liên quan đến động vật hoang dã là một bước quan trọng trong việc bảo vệ động vật và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên. Vì các hoạt động như xiếc thú, các dịch vụ sử dụng thú như cưỡi voi, chụp ảnh với hổ, khỉ, du lịch chủ đề liên quan đến săn bắn hoặc bắt động vật hoang dã… có thể gây căng thẳng, làm tổn thương và phá vỡ môi trường sống tự nhiên của chúng. Thay vào đó, hãy sử dụng và lan tỏa các dịch vụ du lịch sinh thái, quan tâm tới phúc lợi động vật.
Tạm kết:
Bằng cách kết hợp các biện pháp trên, chúng ta có thể giúp bảo vệ động vật hoang dã khỏi các hành vi săn bắt và sử dụng. Đồng thời đảm bảo rằng các phương pháp y học dân gian được thực hiện đúng cách và có lợi cho cả con người, môi trường.
