Bảo vệ động vật hoang dã là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả chúng ta. Tuy nhiên không phải ai cũng có đầy đủ thông tin và hiểu biết để bảo vệ các loài động vật này bằng cách báo cáo vi phạm, giao nộp các cá thể được phát hiện.
Vậy để giải đáp cho câu hỏi: Chúng ta sẽ tham gia vào công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã như thế nào để mang lại kết quả tốt nhất, mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây. Ngoài ra, nếu có thêm bất kỳ câu hỏi nào về động vật hoang dã và các vấn đề liên quan, hãy bình luận ngay dưới bài viết này để được trả lời nhé!
1. Nếu không sinh sống ở gần khu vực rừng thì làm cách nào để tham gia vào công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã?
Bạn không cần phải sống ở gần rừng và các khu bảo tồn để có thể tham gia vào việc bảo vệ ĐVHD. Trên thực tế, các khu vực thành thị, tập trung đông dân cư có thu nhập cao là nơi những hoạt động kinh doanh và buôn bán ĐVHD trái phép diễn ra phức tạp nhất do nhu cầu tiêu thụ cao.
Dưới đây là gợi ý những hành động mà bất kì người dân nào cũng có thể làm để góp phần chung tay bảo vệ các loài ĐVHD – từ chối, phản đối, tẩy chay, báo cáo:
- Cấp độ 1: Bản thân – Điều đơn giản nhất mà bạn có thể làm để bảo vệ ĐVHD là tự cam kết với bản thân không sử dụng và từ chối các sản phẩm từ ĐVHD trái phép.
- Cấp độ 2: Gia đình và người thân – Lên tiếng phản đối và vận động bạn bè, người thân không sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD.
- Cấp độ 3: Cộng đồng
- Báo cáo các vi phạm về ĐVHD tới đường dây nóng hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- Theo dõi, ủng hộ và tham gia các hoạt động và chiến dịch bảo vệ ĐVHD của các đơn vị và tổ chức trong nước.
Và cụ thể hơn với quy trình thông báo vi phạm và quy trình giao nộp động vật hoang dã các bạn xem tiếp từng ảnh dưới đây để biết thêm nhé!
2. Quy trình thông báo vi phạm
Đối với các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các thông tin tố giác từ người dân góp phần hỗ trợ lực lượng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường thu thập thông tin kịp thời về các hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ môi trường và động thực vật hoang dã.
Bước 1: Người dân phát hiện các thông tin liên quan đến vi phạm về ĐVHD thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các hành vi sau:
- Nuôi nhốt trái phép ĐVHD làm cảnh/thú cưng.
- Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các loài ĐVHD trái phép.
- Quảng cáo trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ chúng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Bước 2: Người dân ghi nhận lại các thông tin liên quan đến vi phạm đó, bao gồm:
- Địa chỉ diễn ra vi phạm.
- Hình ảnh/video ghi nhận vi phạm.
Bước 3: Người dân báo cáo vi phạm tới đường dây nóng của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV:
- Gọi số hotline: 18001522 (Từ thứ 2 tới thứ 6 trong khung giờ từ 8h đến 17h30)
- Gửi email tới: hotline.env@gmail.com
- Nhắn tin, thông báo tới Fanpage ENV hành động vì động vật hoang dã.
Một số đường dây nóng và công cụ báo cáo tại các tỉnh:
- Tỉnh Đắk Lắk: Ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến – kết nối với đường dây nóng của ENV
- Tỉnh Thừa Thiên Huế: 0844773030 – ứng dụng Hue-S
Bước 4: Thông tin được tiếp nhận và giao cho Chi cục Kiểm lâm địa phương để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bước 5: Người báo cáo sẽ được cập nhật tình hình xử lý vi phạm và tình trạng cá thể ĐVHD.
3. Quy trình giao nộp
Các cá nhân/tổ chức có nhu cầu tự nguyện giao nộp ĐVHD có thể liên hệ các đơn vị sau để làm thủ tục giao nộp:
1. Vườn quốc gia trực thuộc cục Kiểm lâm:
- Vườn quốc gia Tam Đảo;
- Vườn quốc gia Ba Vì;
- Vườn quốc gia Cúc Phương;
- Vườn quốc gia Bạch Mã;
- Vườn quốc gia Cát Tiên;
- Vườn quốc gia YokDon.
2. Cơ sở cứu hộ động vật rừng do Nhà nước quản lý, vườn động vật do Nhà nước quản lý, ban quản lý rừng đặc dụng không trực thuộc Cục Lâm nghiệp có cơ sở cứu hộ động vật:
- Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật – VQG Bạch Mã.
Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội. - Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động thực vật – CCRR.
- Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam – Tổ chức Động vật Châu Á – Animals Asia.
- Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triền sinh vật – VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
- Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (FOUR PAWS Viet).
- Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ, Bảo tồn – VQG Bù Gia Mập.
- Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái – VQG Chư Mom Ray.
- Trung tâm cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật – VQG Kon Ka Kinh.
- Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á – Tổ chức Indo-Myanmar Conservation.
- Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên – VQG Hoàng Liên.
- Vườn Quốc gia Vũ Quang.
- Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng – Yok Don.
- Trung tâm Bảo tồn, Phát triển sinh vật và dịch vụ môi trường rừng – Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.
- Cơ sở bảo tồn động vật hoang dã VQG Pù Mát.
- Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật – VQG Cúc Phương.
- Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC).
- Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê.
- Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật – VQG Cát Tiên.
- Free The Bears Cát Tiên.
- Trung tâm Du lịch sinh thái, giáo dục môi trường và Cứu hộ, phát triển sinh vật – VQG U Minh Thượng.
- VQG U Minh Hạ.
- Trạm Đa dạng Sinh học Mê Linh – Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật.
- Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi
- Trạm Bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng (WAR).
3. Cơ quan Kiểm lâm cấp huyện, cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh.
LƯU Ý:
- Tự nguyện giao nộp động vật rừng cho Nhà nước là việc tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp động vật rừng cho Nhà nước và không thuộc trường hợp vi phạm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Nếu bạn sinh sống ngoài khu vực của những cơ quan, đơn vị nói trên, hãy làm theo Bước 3 của Quy trình thông báo vi phạm (Câu hỏi số 2).
Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã trái phép, các bạn đang góp sức chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và cứu lấy các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tham gia hành động cùng chúng tôi ngay lúc này!