Sự tồn tại của sở thú là loại hình nuôi giữ động vật có đạo đức hay không vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng những người yêu động vật. Dù hiện tại có những sở thú đảm bảo mang lại lợi ích cho động vật trong quá trình nuôi nhốt, nhưng vẫn còn rất nhiều cơ sở hoạt động chỉ vì lợi ích tiền bạc khiến nhiều loài động vật phải sống trong điều kiện tồi tệ.
Đơn cử như việc những chú voi già ở Vườn thú Hà Nội chỉ có thể luẩn quẩn quanh vài bước chân, bởi bị xích trong khu chuồng rộng vài trăm mét vuông, xung quanh là hào sâu, rào điện. Chúng ăn tại chỗ, vệ sinh tại chỗ, ngủ tại chỗ, với đôi xiềng xích nặng và chật tới mức hằn vết thương trên chân. Chúng liên tục bước qua bước lại, lảo đảo tại chỗ – là những dấu hiệu của trầm cảm bởi môi trường sống nghèo nàn về mặt tinh thần.
Nếu như đảm bảo môi trường an toàn, đáp ứng về cơ sở vật chất và phúc lợi động vật, làm tốt công tác chăm sóc và nuôi các loài động vật hoang dã, sở thú có thể phát huy được vai trò của mình nhằm bảo tồn những loài này và bảo tồn đa dạng sinh học.
Chúng tôi có ghi nhận được một số ý kiến, cùng quan điểm về vấn đề này:
Theo anh Ngô Xuân X, thường thì các sở thú hiện nay có thể xem là nhà dưỡng lão cho các cá thể bị thương tật, không còn khả năng tự sinh tồn trong tự nhiên. Sau khi được các tổ chức cứu hộ, sở thú có thể là một trong những nơi mà các loài động vật hoang dã có thể gặp được bạn đời, từ đó các thế hệ F1, F2 tiếp theo có khả năng được ra đời. Ngoài ra, vì ở nước ta và nhiều nơi khác, việc săn bắt, ăn thịt các loài động vật hoang dã diễn ra sôi nổi, nên việc thả các loài động vật hoang dã từ sở thú ra thiên nhiên cũng có nhiều nguy hiểm tiềm tàng.
Đồng tình với anh Ngô Xuân X, một số ý kiến khác cũng cho rằng: “Có những con vật nó bị thương và không thể thả lại về rừng thì đây là ngôi nhà cuối cùng của tụi nhỏ.”; “Thà để mấy con thú này ở vườn thú chật hẹp tí còn hơn là thả về rừng rồi bị cái bọn săn bắt trái phép bẫy, g.i.e.t đủ kiểu”.
Bên cạnh đó, cũng có không ít những ý kiến trái chiều về việc bảo tồn các loài động vật hoang dã trong sở thú. Điển hình như theo chị Nguyễn Thị A: các tổ chức, cơ quan hoàn toàn có thể đề xuất biện pháp cứu chữa và chăm sóc các loài động vật quý hiếm này ở sở thú một thời gian và tái thả chúng về môi trường sống tự nhiên, vì đây mới chính là nơi sinh sống, phát triển tốt nhất của chúng. Hay một số ý kiến khác như: “Động vật trong sở thú thì ngang với con người ở trong tù”,..
Khỉ bị dây xích quấn quanh cổ ở vườn thú Bahrain (Nguồn ảnh: Kênh 14).
Tạm kết
Việc kết luận sở thú là một “án tù giam” cho các loài động vật hoang dã, hay là một môi trường tốt để các loài này phát triển, là tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Liệu cơ sở đó có đảm bảo đầy đủ phúc lợi cho động vật hoang dã hay không? Đừng quên rằng, cách tốt nhất để bảo vệ các loài động vật hoang dã chính là mỗi cá nhân chúng ta cùng lên tiếng chống lại những hành vi độc ác, làm hại đến các loài động vật quý hiếm này!
Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã trái phép, các bạn đang góp sức chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và cứu lấy các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tham gia hành động cùng chúng tôi ngay lúc này!
