Tôn vinh “đóa hoa” tỏa hương giữa đại ngàn – những nữ cán bộ bảo vệ rừng dũng cảm, yêu nghề

Ở nơi núi rừng đại ngàn, có những người phụ nữ âm thầm lặng lẽ, cống hiến ngày đêm để bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã. Họ là những đoá hoa toả hương thầm lặng, là tia sáng chiếu rọi giữa khoảng rừng xanh mà ít ai trong chúng ta thường nghĩ tới. 

Nhân ngày 20/10, bên cạnh những người mẹ tần tảo, người bà ấm áp, người vợ đảm đang, chúng ta hãy cùng tôn vinh những chiến binh xanh của Việt Nam – những người phụ nữ mạnh mẽ, kiên định và dành một phần cuộc đời mình cho việc gìn giữ tự nhiên – công việc mà ít ai sẵn sàng hi sinh thực hiện.

Lê Thị Ngọc Lắm – Thành viên đội Anti-poaching VQG cát Tiên

“Tôi cực kỳ bị thu hút bởi sứ mệnh của Save Vietnam’s Wildlife – một thế giới mà sự lựa chọn của con người đảm bảo một tương lai bền vững. Tôi rất vui khi được đóng góp vào việc thực hiện sứ mệnh này.” 

Chị Lê Thị Ngọc Lắm, sinh năm 1997, nữ cán bộ bảo vệ rừng của SVW, hiện đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tại VQG Cát Tiên ở Đồng Nai

Chị Lắm tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Chị tham gia Save VietNam’s Wildlife vào tháng 6 năm với, vị trí là thành viên của đội Anti-poaching, mô hình lực lượng bảo vệ rừng của SVW. 

Đội Anti-poaching (Mô hình lực lượng bảo vệ rừng rất hiệu quả trong công tác bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam) có tổng cộng có 24 người hoạt động, trên địa bàn rộng tại các VQG từ Bắc chí Nam. Điều đặc biệt, trong số 24 thành viên có duy nhất một mình chị là nữ. 

Để tham gia vào đội bảo vệ rừng, chị cũng phải vượt qua nhiều vòng: lọc hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp và sát hạch thực tế trong rừng gắt gao như anh em nam giới. 

Những thử thách gắt gao nhất, trong những điều kiện thiếu thốn nhất của đợt test thực tế trong rừng Pù Mát, chị cũng vượt qua xuất sắc. Bởi ngay cả anh em nam giới cũng có nhiều người phải ngậm ngùi dừng lại do không đáp ứng được yêu cầu.

Chị yêu rừng, yêu thiên nhiên, yêu động vật hoang dã và luôn cảm thấy hạnh phúc khi thấy những loài động vật được thả về tự nhiên. Chị Lắm hi vọng công việc này của chị không chỉ cho bản thân chị mà có thể truyền cảm hứng cho mọi người về tình yêu, sự trân trọng và bảo tồn thiên nhiên.

Phạm Thị Thu Hiền – Hạt kiểm lâm VQG Kon Ka Kinh

“Mong muốn của tôi là hàng ngày được sát cánh cùng các đồng nghiệp đi tuần tra, bảo vệ những cánh rừng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Tuy trên hành trình đó gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Nhưng các anh em đồng nghiệp luôn động viên, hỗ trợ để tôi hoàn thành tốt nghiệp vụ. Đặc biệt, điều tôi thêm yêu nghề là bà con đồng bào bản địa luôn coi chúng tôi như đứa con trong nhà. Cho ăn, cho ngủ và phối hợp đi tuần tra, bảo vệ rừng cùng với chúng tôi”.

Nữ kiểm lâm viên Phạm Thị Thu Hiền, 39 tuổi, nhân viên Hạt Kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang, Gia Lai).

Từ bỏ nghề y, chị Hiền đã học ngành lâm nghiệp mà mình yêu thích. Vì yêu rừng, yêu người chồng cùng ngành đã mất, chị Hiền không quản ngại “băng rừng, lội suối”, son sắt với “lời thề” giữ rừng.

Đỗ trường Y, chị Hiền muốn thỏa lòng bố mẹ nên đã vào nhập học. Tuy nhiên, khi vào nhập học một thời gian, chị thấy ngành y không hợp, nên đã bỏ ngang để về học tại Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên với mong muốn được làm một kiểm lâm viên “giữ rừng”. 

Hàng tuần chị Hiền đã vượt hơn 70km từ nhà đến trụ sở Vườn Quốc gia để làm việc, để tranh thủ về thăm con được 1 ngày, rồi lại trở về cơ quan. Khó khăn, gian khổ nhưng chưa bao giờ chị Hiền nản lòng hoặc suy nghĩ sẽ từ bỏ màu xanh áo kiểm lâm, từ bỏ hành trình giữ rừng.

(Theo Dân Trí)

10 công chức nữ ở Hạt Kiểm lâm Hoàng Viên, Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa)

“Khi mới nhận nhiệm vụ, tôi còn đôi chút bỡ ngỡ và lo lắng, thế nhưng với bản tính ưa khám phá, qua các chuyến đi rừng làm tôi càng thấy thích và thêm yêu nghề nhiều hơn. Đó cũng là động lực để tôi có thể băng rừng, vượt suối, tuần tra, bảo vệ rừng suốt ngần ấy năm.”

Tưởng chừng công việc băng rừng, vượt núi tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng chỉ dành cho nam giới, nhưng những “bóng hồng” ở Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên, Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), đang gánh trên vai nhiệm vụ nặng nề.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên có tổng diện tích hơn 28.000 ha. Sống trong và xung quanh rừng có hơn 2.000 hộ gia đình, hơn 12.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, người dân có tập quán sống phụ thuộc vào rừng. Chính vì vậy, công tác bảo vệ rừng của các cán bộ kiểm lâm gặp không ít trở ngại.

Đối với nhân viên kiểm lâm nữ, thường gặp gian khó, thách thức hơn so với nam, do thể lực có hạn, nhất là khi phải leo núi, vượt suối tuần rừng dài ngày. Ngoài bám địa bàn, vận động người dân, nhiều lúc các chị còn phối hợp các lực lượng kiểm lâm là “cánh mày râu” tổ chức tuần tra đột xuất những lúc cao điểm mùa hanh khô. 

Với tình yêu rừng, không ngại khó, ngại khổ, những nữ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên vẫn cần mẫn ghi “dấu chân” trên từng cánh rừng, góp phần giữ cho đại ngàn Hoàng Liên xanh mãi.

(Theo Báo Lào Cai)

Tạm kết

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều cán bộ, tình nguyện viên, nhân viên đang góp sức mình vào công cuộc bảo tồn động vật hoang dã giữa đại ngàn Việt Nam. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, chúng ta hãy dành sự tri ân đến mọi “đóa hoa” đang âm thầm cống hiến cho sự an toàn của các loài động vật ngoài tự nhiên. Cảm ơn sự cống hiến của các “chiến binh xanh” Việt Nam. Chúc các chị luôn tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc và luôn có thể mỉm cười trước những thách thức vất vả phía trước!

Bằng cách từ chối sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ động vật hoang dã trái phép, các bạn đang góp sức chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và cứu lấy các loài ĐVHD của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tham gia hành động cùng chúng tôi ngay lúc này!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *