Hiện trạng rất đáng báo động của nạn săn bắt, mua bán trái phép, sử dụng động vật hoang dã đang khiến cho nhiều loài động vật, đặc biệt là những loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Sự biến mất của một loài gây hệ lụy nghiêm trọng tới chính khu vực loài đó sinh sống, đồng nghĩa với việc các loài khác sinh sống tại đây cũng bị ảnh hưởng. Vậy hãy tưởng tượng nếu như có nhiều loài cùng biến mất, điều gì sẽ xảy tới hệ sinh thái của toàn cầu? Nhân loại sẽ chịu tác động ra sao?
1. Nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Đười ươi Bornean, loài bản địa của đảo Borneo, Indonesia, là loài thuộc danh mục cần phải bảo vệ nguy cấp.
Tê giác Sumatra loài tê giác duy nhất có 2 sừng của châu Á sống ở rừng núi Malaysia, Myanmar và Indonesia. Chúng đang là loài tê giác nguy cấp nhất thế giới, chỉ còn 220 – 275 cá thể còn sót lại.
Báo Amur hay còn gọi là báo Mãn Châu, là biểu tượng loài kiêu sa, đẹp bậc nhất châu Á. Hiện chỉ còn 60 cá thể ngoài tự nhiên và sinh sống ở khu vực sông Amur Hắc Long Giang.
Cáo Darwin hiện nay được phát hiện ở hai khu vực chính gồm Công viên quốc gia Nahuel Buta và một hòn đảo thuộc Chile. Loài cáo này rơi vào nguy cơ tuyệt chủng vì môi trường sống bị đe doạ cũng như nạn săn bắt trái phép vẫn chưa được kiểm soát.
Sao la được mệnh danh là “Kỳ lân châu Á”, được xếp hạng ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của IUCN, chúng sống ở khu vực núi rừng Trường Sơn Việt Nam và Lào. Ảnh: AP
2. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều đối tượng cố ý săn bắt, nuôi nhốt, sử dụng các loài động vật hoang dã quý hiếm.
Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Hải quan Việt Nam đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 21 vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới; trong đó có 6 vụ việc liên quan đến ngà voi. Tuy nhiên, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã vào Việt Nam khá phức tạp trên cả 3 tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Trên tuyến đường bộ, động, thực vật hoang dã thường được cất giấu trong các thùng, hầm, vách ngăn được gia cố, tự chế của các phương tiện vận tải để vận chuyển qua cửa khẩu; giấu trong người, hành lý cá nhân khi nhập cảnh; giấu lẫn với hàng hóa khai báo hải quan…
Đối với tuyến đường biển, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn như khai sai tên hàng, khai báo sai chủng loại và tên khoa học, để lẫn hàng hóa vi phạm với các hàng hóa được khai báo hải quan, thường là các mặt hàng thông thường, có trị giá không quá lớn, không gây chú ý về xuất xứ hoặc các mặt hàng có đặc tính phù hợp với việc được chuyển tải qua nhiều nước và cũng gây khó khăn, mất nhiều thời gian khi kiểm hóa như: hạt điều, hạt lạc, thực phẩm đông lạnh, vỏ ốc biển, sừng động vật, thủ công mỹ nghệ, phế liệu…
Trên tuyến hàng không, hàng hóa vi phạm thường được cất giấu trong các lô hàng nhập khẩu và hành lý ký gửi của hành khách nhập cảnh cùng chuyến. Nổi bật, gần đây, các đối tượng chủ hàng còn lợi dụng thuê mướn những người mang quốc tịch nước ngoài bị tàn tật (dị tật ở chân, tay, mắt…) để xách hàng thuê trên tuyến này.
3. Quy định về xử lý vi phạm đối với các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã
Mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã cần phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, những hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đến 360 triệu đồng (theo quy định tại Điều 21, 22, 23, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp) hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234; tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 2017.
Tạm kết
Chúng ta hãy cùng chung sức bảo vệ các loài động vật hoang dã, ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài. Bảo vệ thiên nhiên cũng chính là bảo vệ tương lai bản thân, con cháu mình sau này. Thông báo vi phạm Nghiêm cấm nếu phát hiện bất kỳ hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã dưới tới cơ quan chức năng hoặc đơn vị có khả năng giải quyết. Nếu phát hiện bất kỳ hành vi vi phạm nào về săn bắt, giết hại, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng nơi gần nhất hoặc số hotline 1800-1522 của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV để có biện pháp xử lý kịp thời nhé!
